Thường trực Chính phủ họp ứng phó dịch Covid-19; bàn về mô hình tổ chức Ủy ban Cạnh tranh quốc gia

Sáng 7-5, tại Trụ sở Chính phủ, Thường trực Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc họp trực tuyến với các bộ, ngành, cơ quan Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ứng phó dịch Covid-19.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TRẦN HẢI
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TRẦN HẢI

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch (PCD) Covid-19, ngành y tế, các địa phương có nhiều nỗ lực, không để tình trạng xấu diễn ra. Cả nước đã trở về mức độ nguy cơ thấp, thậm chí nguy cơ rất thấp; đây là điều đáng mừng. Tuy vậy tình hình dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp, số người nhiễm đông, số người chết còn nhiều; nhưng trong nước an toàn, nếu có người bệnh chỉ là trường hợp nhập cảnh và chúng ta đã nhanh chóng cách ly tập trung, tuyệt đối không để lây nhiễm cộng đồng...

Nhân dịp này, Thủ tướng đưa ra thông điệp mới: Mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp xác lập tình trạng bình thường mới trong cuộc sống và các hoạt động kinh tế - xã hội để người dân trở lại bình thường trên tinh thần đẩy mạnh phục hồi kinh tế, xây dựng đất nước, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên quan trọng cần phải tập trung ở mọi cấp, mọi ngành; không được chủ quan, coi thường dịch. Thường trực Chính phủ đưa ra biện pháp nới lỏng, tiếp tục thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch xâm nhập. Theo đó, nếu có người ở nước ngoài về thì đều phải cách ly tập trung 14 ngày, trừ trường hợp chuyên gia, công nhân lành nghề, nhà đầu tư... phải có phương thức cách ly tại chỗ phù hợp; y tế các cấp phối hợp với chủ các lao động này thực hiện tốt nhiệm vụ này, tuyệt đối không để dịch lây lan; sẵn sàng ứng phó khi có ca dương tính trong cộng đồng. Yêu cầu Ban Chỉ đạo duy trì nhóm phản ứng nhanh, dự báo, phát hiện nhanh các trường hợp dương tính, tiếp xúc gần dương tính, kịp thời khoanh vùng cách ly. Riêng ngành y tế các cấp dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND các địa phương phải trực, xử lý kịp thời, đầy đủ 100% khi có tình huống xảy ra, không được để dịch bệnh bùng phát trở lại.

Tiếp tục thực hiện các biện pháp bắt buộc như đeo khẩu trang ở nơi công cộng và phương tiện giao thông công cộng; rửa tay thường xuyên, bảo đảm vệ sinh cá nhân. Thường trực Chính phủ cũng đồng ý với đề xuất của ngành giáo dục và đào tạo là không bắt buộc học sinh đeo khẩu trang trong lớp học; các cửa sổ chính bảo đảm thông thoáng. Các trường cần tăng cường lau khử khuẩn bề mặt, vệ sinh lớp học, nhà vệ sinh. Không bắt buộc thực hiện giãn cách trong lớp học, không hạn chế tiếp xúc giữa các lớp học với nhau; các hoạt động khác là bình thường. Ngành giáo dục và đào tạo và các địa phương phải có kế hoạch tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, đạt kết quả trung thực, khách quan.

Cho phép các dịch vụ kinh doanh trở lại hoạt động bình thường, trừ vũ trường, ka-ra-ô-kê được xem xét sau. Các dịch vụ kinh doanh thiết yếu được mở cửa trở lại, kể cả cửa hàng ăn uống với điều kiện bảo đảm PCD, nhất là sát trùng tay, đeo khẩu trang,... Đồng ý kiến nghị về bỏ giới hạn số chỗ trên các phương tiện giao thông công cộng nhưng yêu cầu hành khách phải đeo khẩu trang. Đồng ý tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, sự kiện tập trung đông người, như các giải bóng đá...; khuyến cáo đeo khẩu trang, sát trùng tay tại các hoạt động này; các bệnh viện trở lại hoạt động bình thường để chữa trị bệnh cho nhân dân. Ngành y tế tiếp tục kiện toàn năng lực cho các phòng xét nghiệm Covid-19, chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ việc xét nghiệm; nghiên cứu các phác độ điều trị, xây dựng hướng dẫn, tập huấn cho y tế cơ sở, thực hiện theo dõi, giám sát sức khỏe người dân tại cộng đồng, hướng dẫn xử lý các trường hợp nghi ngờ hoặc dương tính; đề phòng mùa đông tới có thể có nhiều dịch bệnh khác.

Thường trực Chính phủ yêu cầu các địa phương nghiêm túc thực hiện các giải pháp được giao, trong đó có tập trung tháo gỡ khó khăn để sản xuất, kinh doanh phát triển; các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ phải có hiệu lực trước khi Hội nghị của Thủ tướng với doanh nghiệp được tổ chức vào ngày mai 9-5. Đưa nhanh tiền hỗ trợ an sinh xã hội đến sớm với người khó khăn, bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh; yêu cầu công tác này phải được giám sát chặt chẽ, không để xảy ra gian lận, tiêu cực. Các bộ, ngành, địa phương liên quan phải có phương án kêu gọi đầu tư, xúc tiến đầu tư; tìm và thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đến làm ăn.

Về thông quan hàng hóa qua cửa khẩu phụ trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Thủ tướng yêu cầu các bộ liên quan, Phó Thủ tướng Chính phủ theo nhiệm vụ được phân công trực tiếp xử lý; cho phép mở cửa trở lại một số cửa khẩu phụ theo đề xuất của các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn. Đối với các cửa khẩu phụ, lối mở khác, UBND các tỉnh biên giới căn cứ tình hình thực tế cân nhắc cẩn trọng, kỹ lưỡng, bảo đảm tối đa công tác PCD, mở cửa trở lại theo quy định đã đề ra, bảo đảm quy trình kiểm soát PCD. Chỉ khôi phục lại các cửa khẩu phụ, lối mở có lưu lượng hàng hóa lớn, đặc biệt là hàng nông sản, hải sản xuất khẩu; nhập khẩu nguyên liệu cấp thiết mà trong nước chưa có. Chỉ thông thương hàng hóa, không cho người nhập cảnh; không được lợi dụng các cửa khẩu phụ để buôn lậu, gian lận thương mại.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch truyền thông các điểm đến an toàn; đẩy mạnh du lịch nội địa. Tổ chức thị trường và chuẩn bị phương án khởi động trở lại thị trường du lịch quốc tế khi tình hình cho phép. Các ngành y tế, giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công, trong đó có việc đưa công dân Việt Nam bị kẹt ở nước ngoài về nước, bảo đảm trật tự, mức độ, phù hợp tình hình và năng lực tiếp nhận; Bộ Tài chính tăng cường quản lý kinh phí và bảo đảm bổ sung kinh phí PCD kể cả ở cấp Trung ương và địa phương.

* Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về mô hình tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia.

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng cho rằng, ở các quốc gia, vị trí của cơ quan này rất quan trọng, đồng thời nhấn mạnh tinh thần thu gọn đầu mối bên trong, nhưng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý để làm đúng chức năng, nhiệm vụ, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; biên chế phù hợp từng chức năng, nhiệm vụ. Thủ tướng nhất trí với phương án Ủy ban cạnh tranh quốc gia tương đương Tổng cục, cơ quan điều tra của Ủy ban sẽ tương đương cấp cục nhằm bảo đảm vị thế, yếu tố độc lập trong việc triển khai chức năng, nhiệm vụ. Mô hình Tổng cục sẽ thuận lợi để xây dựng cơ chế hoạt động, mối quan hệ của Ủy ban với Bộ Công thương và các cơ quan khác. Theo quy định của Luật Cạnh tranh, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia do Thủ tướng bổ nhiệm, vì thế, xác định vị thế Ủy ban tương đương Tổng cục sẽ bảo đảm tính tương đồng về thẩm quyền xem xét, bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban. Việc điều tra, xử lý các vụ việc cạnh tranh có tính chất đa quốc gia, xuyên biên giới đòi hỏi phải xây dựng mô hình cơ quan cạnh tranh có vị thế, vai trò đủ mạnh để tiến hành thực hiện hoạt động điều tra, xét xử một cách độc lập theo quy định. Thủ tướng giao Bộ Công thương hoàn thiện dự thảo văn bản của Ban cán sự Đảng Chính phủ về mô hình tổ chức của Ủy ban để xin ý kiến các thành viên và báo cáo Bộ Chính trị.

* Chiều 7-5, tại Hà Nội, BCĐ phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả và triển khai nhiệm vụ PCD Covid-19 trong thời gian tiếp theo. Phát biểu tại hội nghị, Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy T.Ư, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng BCĐ PCD Covid-19 Bộ Quốc phòng ghi nhận, biểu dương những kết quả, thành tích của các cơ quan, đơn vị trong công tác PCD thời gian qua, nhất là lực lượng biên phòng, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ ngành quân y, các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ cách ly. Thời gian tới, toàn quân cần quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị 19-CT/TW của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị của Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng, đồng thời xác định giữ vững tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, xem nhẹ khi thấy dịch bệnh lắng xuống. Các đơn vị căn cứ vào đánh giá mức độ nguy cơ dịch của đơn vị mình cũng như dịch trên địa bàn để triển khai các biện pháp PCD phù hợp, thực hiện chủ trương vừa chống dịch vừa thực hiện tốt các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; kiên quyết không để dịch lây lan.

* Tiểu ban Điều trị (BCĐ quốc gia PCD Covid-19) cho biết: Ngày 7-5, người bệnh thứ 265, nam, 26 tuổi điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (tỉnh Hà Tĩnh) được công bố khỏi bệnh Covid-19. Đây cũng là người bệnh cuối cùng trong tổng số bốn người bệnh điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực cửa khẩu quốc tế Cầu Treo được công bố khỏi bệnh. Người bệnh sẽ được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.

* Sở Y tế Hà Nội có văn bản đề nghị các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, phòng y tế quận, huyện, thị xã, trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố tăng cường quản lý các phương pháp PCD Covid-19 bằng thuốc và các phương pháp y học cổ truyền. Phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, giá dược liệu, thuốc cổ truyền sử dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền ngoài công lập và các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền.

* Ngày 7-5, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) ban hành văn bản yêu cầu các địa phương và nhà trường không sử dụng mũ, nón, trang phục có tấm chắn giọt bắn cá nhân trong lớp học; không bắt buộc đeo khẩu trang trong lớp học; tiếp tục duy trì đeo khẩu trang trên đường đến trường, trước khi vào lớp, trong giờ ra chơi, khi ra khỏi lớp và trên đường về nhà; không áp dụng giãn cách trong lớp học. Các cơ sở giáo dục được sử dụng máy điều hòa không khí trong lớp học, cuối mỗi buổi học phải mở cửa phòng học tạo sự thông thoáng, tăng cường thực hiện lau khử khuẩn bề mặt, vệ sinh phòng, lớp học, nhà vệ sinh và các biện pháp PCD bệnh theo quy định.

* Tập đoàn Vingroup cho biết, Đại sứ quán Nga và Đại sứ quán U-Crai-na tại Việt Nam đã ký kết biên bản thống nhất tiếp nhận 2.400 máy thở xâm nhập điều trị Covid-19 do Tập đoàn Vingroup hoàn thiện, sản xuất và trao tặng. Dự kiến những lô máy thở sẽ được chuyển giao từ ngày 15-5 đến ngày 30-8. Hiện, hai loại máy thở đang được các cơ quan quản lý chất lượng và Hội đồng ngành y đánh giá các tiêu chuẩn chất lượng lưu hành tại Việt Nam. Tập đoàn Vingroup cung cấp các mẫu máy thở để Nga và U-crai-na thực hiện các thủ tục kiểm định chất lượng theo quy định hiện hành của nước bạn.

* Ngày 7-5, UBND tỉnh An Giang cho biết, đã ký quyết định phê duyệt kinh phí hơn 247 tỷ đồng hỗ trợ 246.706 đối tượng là người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn bị ảnh hưởng dịch Covid-19. UBND tỉnh yêu cầu, các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện đúng đối tượng, công khai, minh bạch, kịp thời, không để phát sinh tiêu cực. UBND tỉnh yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm đối với tất cả các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật.

Thêm 17 ca nhiễm Covid-19 sau khi nhập cảnh vào Việt Nam

Ngày 7-5, Ban Chỉ đạo (BCĐ) quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày đã ghi nhận thêm 17 người bệnh mắc Covid-19 (người bệnh từ 272 đến 288). Đây đều là những người bệnh được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Trước đó, ngày 3-5, các cơ quan chức năng Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất và Hãng hàng không quốc gia Việt Nam tổ chức chuyến bay VN0088 đưa 297 công dân Việt Nam trở về nước. Ngay sau khi nhập cảnh, toàn bộ 297 hành khách được đưa về cách ly tập trung tại ký túc xá sinh viên tỉnh Bạc Liêu và được lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm ngày 7- 5 của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh ghi nhận có 17 ca dương tính, 280 ca âm tính với SARS-CoV-2. Hiện nay, 17 người bệnh đang được điều trị cách ly tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu, tình trạng sức khỏe ổn định. Các thành viên phi hành đoàn đã được cách ly.

Như vậy, đến thời điểm này Việt Nam có 288 ca mắc Covid-19. Đáng chú ý, đến nay (từ 6 giờ ngày 16-4 đến 18 giờ ngày 7-5) đã 21 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly là 20.942 người. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện: 169 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 6.469 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 14.304 người.