Thường trực Ban Bí thư làm việc về công tác phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên

NDO - Ngày 19/5, tại Bình Định diễn ra Hội thảo công tác phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên khu vực miền trung-Tây Nguyên. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương dự và chỉ đạo hội thảo.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội thảo công tác phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên khu vực miền trung-Tây Nguyên.
Quang cảnh Hội thảo công tác phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên khu vực miền trung-Tây Nguyên.

Cùng chủ trì có các đồng chí: Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Hồ Quốc Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định.

Tham dự hội thảo có các đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phố khu vực miền trung-Tây Nguyên; lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn; đại diện một số trường các tỉnh Bình Định, Hà Tĩnh, Nghệ An, Đắk Lắk...

Trong những năm qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn quan tâm, chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận, quy định, hướng dẫn liên quan công tác phát triển đảng viên. Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành các văn bản hướng dẫn có liên quan; phối hợp chặt chẽ các cấp ủy, tổ chức đảng, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, trao đổi, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn và kiểm tra, giám sát việc thực hiện về công tác phát triển đảng viên. Các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, cụ thể hóa các chủ trương của Trung ương phù hợp yêu cầu và tình hình thực tiễn ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn tại hội thảo, đồng chí Hoàng Đăng Quang cho biết, Đảng ta luôn quan tâm phát triển đảng viên, chú trọng phát hiện, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng những thanh niên, học sinh sinh viên ưu tú nhằm tăng cường xây dựng đội ngũ đảng viên trẻ về tuổi đời, có trình độ, trí tuệ, phẩm chất đạo đức tốt, góp phần tạo nguồn cán bộ kế cận bổ sung vào đội ngũ trí thức của đất nước, bảo đảm sự kế thừa và phát triển liên tục của Đảng.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ, thảo luận nhằm làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn, phân tích đúng thực trạng tình hình và tìm những nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển đảng đối với học sinh, sinh viên.

Thường trực Ban Bí thư làm việc về công tác phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên ảnh 1

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.

Hiện nay, các đảng bộ tỉnh, thành phố khu vực miền trung-Tây Nguyên có 277 đảng bộ cấp trên cơ sở, 12.319 tổ chức cơ sở đảng (6.008 đảng bộ cơ sở, 6.311 chi bộ cơ sở), 207 đảng bộ bộ phận và 60.687 chi bộ trực thuộc với 1.274.204 đảng viên. Trong những năm qua, công tác phát triển đảng viên nói chung và phát triển đảng viên là học sinh, sinh viên nói riêng đã được các cấp uỷ, tổ chức đảng trong khu vực quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được những kết quả tích cực.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, đồng chí Trương Thị Mai ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh thời gian qua khi đã dành sự tâm huyết, trách nhiệm đối với công tác phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên.

Đồng chí Trương Thị Mai đề nghị, thời gian tới, các tỉnh, thành phố trong khu vực cần nâng cao hơn nữa khả năng lãnh đạo, chỉ đạo, nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu; phải cụ thể hóa, đặt ra chỉ tiêu, giao chỉ tiêu, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện; cần quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ thanh niên đi vào con đường trong sáng, lành mạnh, rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành để được đứng vào hàng ngũ của Đảng càng sớm càng tốt. Phải xem công tác phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên là quá trình xuyên suốt, liên tục, phải lấp đầy “khoảng trống” nếu không sẽ bị đứt gãy; phải làm sao để quy trình kết nạp phù hợp với đặc điểm, tính chất của thanh niên, chọn điểm rơi hợp lý và coi đây là nhiệm vụ quan trọng...