Thưởng Tết cho công nhân

Thưởng Tết không chỉ là sự ghi nhận của doanh nghiệp đối với người lao động, mà còn là động lực để họ gắn bó với công ty nhiều hơn. Năm nay kinh tế khó khăn, doanh nghiệp không có đơn hàng nhưng vẫn cố gắng thưởng Tết cho công nhân, người lao động khiến việc này càng thêm ý nghĩa.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân Công ty Thủy sản Sài Gòn sản xuất hàng phục vụ người dân.
Công nhân Công ty Thủy sản Sài Gòn sản xuất hàng phục vụ người dân.

Công ty Pouyuen Việt Nam (phường Tân Tạo, quận Bình Tân) chuyên gia công giày da, là doanh nghiệp có đông lao động nhất thành phố với hơn 50.000 người. Những ngày qua, công nhân đơn vị này “vui như hội” khi đón nhận tin thưởng Tết lớn từ doanh nghiệp. Theo thông báo của Công ty Pouyuen, doanh nghiệp này đã tăng thưởng lên 30% so với năm 2022 và bằng với lúc chưa xuất hiện dịch Covid-19. Cụ thể, tùy thâm niên mà mức thưởng cao nhất người lao động nhận được là 2,2 tháng lương và một tháng lương dành cho người lao động làm việc vừa đủ một năm. Mức tăng này tương ứng công nhân trực tiếp sản xuất nhận thấp nhất khoảng 6,5 triệu đồng, cao nhất gần 26 triệu đồng. Bất ngờ khi biết năm nay số tiền thưởng Tết mình nhận được ngót nghét 23 triệu đồng, chị Nguyễn Thị Đào (40 tuổi, quê Phú Yên), có gần 15 năm làm việc tại Công ty Pouyuen cho biết: Hai năm dịch bệnh, công việc bấp bênh khiến đời sống càng thêm chật vật. Hiện tại, công ty thiếu đơn hàng đúng thời điểm cuối năm, công nhân phải nghỉ việc luân phiên. Chúng tôi đinh ninh công ty thưởng một tháng lương là đã mừng lắm rồi, do vậy khi nhận được thông báo, ai cũng vui sướng. Chị Võ Thị Lệ (công nhân Công ty Nissei Electric Việt Nam, khu chế xuất Linh Trung I, thành phố Thủ Đức) cũng vỡ òa niềm vui khi biết mức thưởng Tết được nhận năm nay khoảng 10 triệu đồng. Theo lời chị, hiện nay công ty không tổ chức tăng ca do đơn hàng sụt giảm tới 30%. Dẫu vậy, lao động đều được bố trí làm việc luân phiên để không ai bị mất việc, giảm lương. Tết này, công ty giữ mức thưởng cho từ 1,8 tháng đến 2,2 tháng lương/người, tương đương mỗi công nhân sẽ được thưởng hơn 13 triệu đồng, chúng tôi mừng lắm.

Theo Chủ tịch Công đoàn Công ty Pouyuen Việt Nam Củ Phát Nghiệp, quý I, II/2022, đơn vị này hủy rất nhiều đơn hàng lợi nhuận thấp. Còn nay, đơn hàng nhỏ, lợi nhuận thấp công ty vẫn nhận để ổn định việc làm cho người lao động. “Việc tăng thưởng Tết so với hai năm trước nhằm chia sẻ khó khăn với người lao động khi những tháng cuối năm đơn hàng ở một số bộ phận giảm, công nhân thiếu việc. Công ty dự báo năm 2023 sẽ còn nhiều thách thức, mong người lao động tiếp tục gắn bó với các nhà máy”, ông Nghiệp cho hay. Công ty TNHH Freetrend Industrial Việt Nam (thành phố Thủ Đức) cũng báo tin vui thưởng Tết tăng 20% so với năm 2022. Cụ thể, công nhân làm việc chưa đủ ba năm sẽ nhận một tháng lương và tăng dần theo thâm niên, người cao nhất nhận ba tháng. Chủ tịch Công đoàn Công ty Liêu Quang Vinh nhìn nhận: Từ quý III/2022, một số đơn hàng của nhà máy có dấu hiệu bị ảnh hưởng, đến quý IV bắt đầu giảm, công nhân phải nghỉ vào thứ bảy và không còn tăng ca. Dự báo sang năm tình hình tiếp tục khó khăn khi đơn hàng chỉ còn khoảng 60%. Đi kèm với tình hình không mấy sáng sủa là thu nhập của người lao động giảm. Tuy nhiên, công ty vẫn tăng thưởng cuối năm vì muốn chia sẻ khó khăn và giữ chân công nhân sau Tết.

Theo ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, về giải pháp lâu dài, không thể mãi là thâm dụng lao động, gia công giá rẻ. Cần có kỹ năng nghề quốc gia theo hướng tiệm cận với trình độ kỹ năng khu vực và thế giới. Tăng cường công tác đào tạo và đào tạo lại trình độ tay nghề cho người lao động. Thích ứng và làm chủ công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và số hóa ngày càng cao… “Cách thức chăm lo Tết năm nay sẽ không đơn thuần là hỗ trợ có tính chất thời điểm mà cần có một số giải pháp mang tính đồng bộ, có sự phối hợp liên ngành. Theo đó, có thể hỗ trợ tín dụng ngắn hạn cho người lao động, tăng cường thêm hoạt động kết nối việc làm hay tiến hành đào tạo lại cho người lao động trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, các cấp quản lý cũng phải tính toán, cân nhắc về một chính sách dự phòng bên cạnh chế độ phúc lợi đang có”, ông Trung đề xuất.

Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, Lê Văn Thinh cho biết: Sở đã gửi công văn đến các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố yêu cầu trước ngày 25/12 phải gửi thông tin về Sở những nội dung liên quan đến lương, thưởng trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2023, các khoản trợ cấp, hỗ trợ cho người lao động (tặng quà Tết, hỗ trợ vé tàu, xe về quê ăn Tết...), thời gian nghỉ Tết, nghỉ phép năm, thời điểm trả lương, thưởng... “Đến thời điểm này đã có hơn 300 trong số 3.000 doanh nghiệp gửi báo cáo về kế hoạch lương, thưởng Tết cho Sở. Trên cơ sở các báo cáo của doanh nghiệp, Sở sẽ tổng hợp và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố”, ông Thinh nói.