Thương mại điện tử đưa nông sản vươn xa

Thời gian qua, nhiều địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã đã đẩy mạnh việc bán hàng qua các sàn thương mại điện tử, mở ra nhiều cơ hội cho sản phẩm Việt Nam. Đối với nông sản, đây là cơ hội vươn ra thế giới, chinh phục những thị trường khó tính.
0:00 / 0:00
0:00

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng cho rằng, thương mại điện tử là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thị trường cho doanh nghiệp.

Để đạt mục tiêu đến năm 2030 tỉnh Bắc Ninh nằm trong nhóm năm địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số thương mại điện tử, hằng năm, ngành công thương, khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông đã đề xuất mô hình, cơ chế phối hợp quản lý Nhà nước về thương mại điện tử trên địa bàn; tham mưu nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, dự báo về tăng trưởng của thương mại điện tử; tăng cường an toàn, an ninh mạng, các công cụ xác thực thông tin, chất lượng sản phẩm bảo vệ quyền lợi của người mua hàng; thường xuyên tổ chức các sự kiện, tuyên truyền, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, khuyến khích cộng đồng tham gia phát triển các sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử.

Tỉnh Bắc Ninh thường xuyên tổ chức các hội nghị liên quan công tác ứng dụng thương mại điện tử trong kết nối cung-cầu sản phẩm tiêu biểu, đặc sản của tỉnh với thị trường trong nước và quốc tế. Qua đó, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh, các chuyên gia, đại diện sàn thương mại điện tử và các nền tảng Lazada, TikTok tích cực tham gia. Nhiều giải pháp đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong kết nối cung-cầu sản phẩm với thị trường trong nước và quốc tế, tập huấn, bồi dưỡng, trang bị kiến thức về thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh được triển khai.

Đồng thời, tiến hành các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về thương mại điện tử, phát triển kinh tế số, bảo đảm việc kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhiều chuyên gia về thương mại điện tử cho rằng, tỉnh Bắc Ninh đã làm tốt việc đánh giá thực trạng, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về hỗ trợ, vận chuyển, kết nối và tiêu thụ các sản phẩm trên nền tảng trực tuyến, kết nối giao thương và xúc tiến ứng dụng thương mại điện tử, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới. Qua đánh giá, bên cạnh các sản phẩm công nghiệp chủ lực, Bắc Ninh có 93 sản phẩm OCOP, 32 nhãn hiệu thuộc sở hữu chung của cộng đồng được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Các sản phẩm nông sản, thực phẩm đang từng bước được sản xuất theo quy trình an toàn, bảo đảm các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường, có nhiều tiềm năng phát triển qua thương mại điện tử.

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang khẳng định, với vị trí địa lý thuận lợi, thời tiết ôn hòa, Bắc Ninh có nhiều sản phẩm đặc sản tiêu biểu đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Bắc Ninh đã có những bước phát triển vượt bậc, trong đó có nhiều dấu ấn của hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất, kinh doanh và hợp tác quốc tế, đóng góp vào nền kinh tế số, đưa địa phương nhanh chóng trở thành tỉnh có quy mô công nghiệp đứng đầu cả nước, trong đó có hoạt động thương mại điện tử.

Với nhiều tiềm năng về điều kiện sinh thái, tỉnh Lâm Đồng đã đẩy mạnh phát triển sản xuất các loại rau, hoa ôn đới, cận ôn đới và các loại dược liệu quý, cây công nghiệp dài ngày để quảng bá, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử toàn cầu. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, sản xuất rau các loại ở các vùng nông nghiệp Đà Lạt và phụ cận với lợi thế độ cao từ 800-1.500 m so với mực nước biển trở thành một ngành hàng chủ lực trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Hiện nay tổng diện tích gieo trồng là 74.000 ha, sản lượng 2,8 triệu tấn/năm với các loại rau: bó xôi, xà lách, cải bắp, cải thảo, ớt ngọt, cà chua bi, dưa chuột bao tử, khoai tây, hành tây, cà rốt... Trong đó, diện tích ứng dụng công nghệ cao chiếm hơn 90% diện tích. Có tất cả 85 sản phẩm của 85 đơn vị được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Đà Lạt-Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Thị trường xuất khẩu rau mỗi năm đến các nước và vùng lãnh thổ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)... đạt hơn 35.000 tấn, với kim ngạch khoảng 64 triệu USD.

Diện tích sản xuất hoa đến nay khoảng 3.000 ha (gieo trồng khoảng 9.700 ha), sản lượng hơn 3,9 tỷ cành, 300.000 chậu. Toàn tỉnh đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Đà Lạt-Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cho 541 đơn vị. Tổng sản lượng hoa xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Australia, Đan Mạch, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… đạt 330 triệu cành và chậu hoa với kim ngạch trên 62,7 triệu USD...

Các loại nông sản của Lâm Đồng với những lợi thế mang lại những kết quả đáng kể khi tham gia các sàn thương mại điện tử toàn cầu. Theo đó, từ tháng 12/2022 đến hết tháng 6/2023, trên sàn www.Postmart.vn đạt doanh số bán hàng nông sản hơn 3,2 tỷ đồng; cập nhật 2.570 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên; tạo tài khoản cho 50.766 hộ sản xuất, trong đó có 5.906 tài khoản thanh toán điện tử. Đặc biệt, từ cuối tháng 12/2022 đến nay, trang thương mại www.nongsandalatlamdong.vn đầu tiên của tỉnh đã cập nhật 214 sản phẩm của 123 chủ thể OCOP và thông tin 1.149 mặt hàng của 350 doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh trên địa bàn.

Từ những kết quả bước đầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng tiếp tục tổ chức học tập kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình thành công về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại nông sản hàng hóa, khuyến khích hướng đổi mới, sáng tạo, khai thác hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

Mục tiêu toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025, đạt tỷ lệ 50% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh có thương nhân bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến. Đến năm 2030, 45% số doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; tổng doanh thu chiếm 10-11% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để tăng cường hiệu quả hoạt động thương mại điện tử của địa phương, ngành công thương cần tập trung tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại điện tử gắn với chuyển đổi số; nâng cao năng lực quản lý, tổ chức hoạt động thương mại điện tử; tăng cường tuyên truyền, đào tạo kỹ năng cho người dân và doanh nghiệp tham gia khai thác các ứng dụng thương mại điện tử; đề xuất phát triển cơ sở hạ tầng, giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử và tích hợp thanh toán điện tử, chú trọng tiện ích thông minh trên các nền tảng di động; thường xuyên tổ chức các hoạt động thương mại điện tử mang tính chất kích cầu cho thị trường trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới.