Thương hiệu cà-phê của Lào đoạt giải thưởng đứng đầu châu Á

NDO - Hạt cà-phê peaberry (cà-phê Culi) của thương hiệu Lao Mountain Coffee vừa được xếp đứng đầu châu Á trong cuộc thi cà-phê toàn cầu, tờ Vientiane Times ngày 5/10 đưa tin.
0:00 / 0:00
0:00
Cà-phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu mạnh của Lào. Ảnh: Pinterest
Cà-phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu mạnh của Lào. Ảnh: Pinterest

Theo tờ Vientiane Times, hạt cà-phê peaberry vừa đoạt giải là loại hạt cà-phê hữu cơ tự nhiên thuộc loại hiếm, chỉ chiếm khoảng 5-10% thị trường cà-phê toàn cầu. Trong các ngày 29-30/9 vừa qua tại Ourense, Tây Ban Nha, cuộc thi cà-phê toàn cầu đã diễn ra với sự tham dự của người trồng cà-phê đến từ hơn 34 quốc gia, nhằm thúc đẩy việc sản xuất cà-phê chất lượng cao.

Tại cuộc thi nêu trên, thương hiệu Lao Mountain Coffee đại diện cho Lào đã giới thiệu sản phẩm hạt cà-phê được trồng trên cao nguyên Bolaven ở huyện Pakxong, tỉnh Champassak và đoạt giải nhất ở hạng mục giải thưởng châu lục. Huyện Pakxong được biết đến là một trong những vùng lý tưởng nhất để trồng cà-phê cho vị ngon hàng đầu thế giới.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Lào, mặt hàng cà-phê đứng thứ 3 trong các mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu hàng đầu của nước này, hiện đang xuất khẩu tới thị trường 26 nước châu Á, châu Âu và khu vực Bắc Mỹ.

Chính phủ Lào hiện đang thúc đẩy sản xuất cà-phê tại 11 tỉnh trên cả nước, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường đang ngày càng tăng đối với mặt hàng cà-phê chất lượng cao, cả ở trong và ngoài nước.

Theo số liệu năm 2018, tổng diện tích trồng cà-phê của Lào vào khoảng 95.400 héc-ta với tổng sản lượng 154.135 tấn, tăng gần gấp đôi so với tổng sản lượng năm 2015 vào khoảng 77.540 tấn. Diện tích trồng cà-phê của Lào chủ yếu tập trung tại khu vực cao nguyên Bolaven (phía nam Lào).

Hầu hết các sản phẩm cà-phê được sản xuất tại Lào được làm từ các loại hạt Arabica và Robusta. Số liệu cho thấy, xuất khẩu hạt cà-phê thô của Lào tăng mạnh từ 28.320 tấn năm 2017 lên đến 31.495 tấn năm 2018.

Cà-phê được người Pháp trồng đầu tiên trên khu vực cao nguyên Bolaven của Lào vào khoảng năm 1920, dọc các tuyến đường được xây dựng bởi chính quyền thuộc địa cũ. Sau đó, cà-phê trở dần thành sản phẩm nông nghiệp chủ đạo của vùng, nhất là sau khi một trung tâm nghiên cứu được xây dựng gần huyện Pakxong vào năm 1930.