Góp phần tăng cường vai trò của ASEAN

Việt Nam luôn là thành viên chủ động, tích cực và đóng góp có trách nhiệm vào tiến trình phát triển của ASEAN. Trong gần 30 năm qua, Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn trong ASEAN, nhất là khi đảm nhiệm các trọng trách quan trọng, đưa ra những đề xuất, sáng kiến góp phần duy trì đoàn kết, thống nhất và củng cố vai trò trung tâm của Hiệp hội đối với hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn Việt Nam đóng góp tích cực tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56. (Ảnh BỘ NGOẠI GIAO).
Đoàn Việt Nam đóng góp tích cực tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56. (Ảnh BỘ NGOẠI GIAO).

Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN vào năm 1995. Kể từ đó đến nay, Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và thúc đẩy đoàn kết nội khối. Việt Nam đã góp phần thúc đẩy việc Lào, Campuchia và Myanmar gia nhập ASEAN, qua đó hoàn tất ý tưởng về “mái nhà chung” gồm 10 nước Đông Nam Á và tạo ra sự chuyển biến mới đối với Hiệp hội, cũng như khu vực.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tích cực phối hợp các nước thành viên xây dựng những định hướng phát triển và quyết sách lớn của Hiệp hội, nổi bật như Hiến chương ASEAN, Tầm nhìn ASEAN đến năm 2020, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2025, Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN…

Không chỉ hoàn thành tốt trách nhiệm của một nước thành viên, Việt Nam còn phát huy vai trò dẫn dắt, điều phối thông qua việc chủ trì, đăng cai tổ chức nhiều hội nghị, sự kiện lớn và đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch luân phiên của ASEAN. Ba năm sau khi trở thành thành viên của Hiệp hội, tháng 12/1998, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 với những kết quả quan trọng, trong đó có Chương trình Hành động Hà Nội, góp phần định hướng phát triển của Hiệp hội khi đó.

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam đã đưa ra những sáng kiến, như mở rộng thành viên tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) bằng việc kết nạp Nga và Mỹ, tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) lần đầu. Việt Nam tiếp tục đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào đúng thời điểm 25 năm kể từ khi gia nhập Hiệp hội và cũng là 5 năm kể từ khi Cộng đồng ASEAN được thành lập.

Đưa ra chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam không những giúp Hiệp hội ứng phó thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra mà còn giữ vững đà hợp tác và xây dựng Cộng đồng ASEAN. Các sáng kiến được Việt Nam đề xuất trong bối cảnh này, trong đó có hình thức họp trực tuyến, tiếp tục được các nước thành viên thúc đẩy, góp phần tăng cường khả năng thích ứng, tự cường của ASEAN, cũng như đẩy nhanh quá trình phục hồi hậu đại dịch của khu vực.

Ngày càng có nhiều đối tác khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, đồng thời thúc đẩy đối thoại, hợp tác và nâng tầm quan hệ với Hiệp hội. Trong nỗ lực tăng cường và mở rộng quan hệ giữa ASEAN và các đối tác, Việt Nam có nhiều đóng góp thiết thực, nhất là khi đảm nhiệm vai trò điều phối quan hệ giữa Hiệp hội với Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ, Nhật Bản…

Việt Nam hiện giữ nhiệm vụ điều phối quan hệ ASEAN-Hàn Quốc nhiệm kỳ 2021-2024 và đang chuẩn bị chuyển giao nhiệm vụ này cho Thái Lan, góp phần bảo đảm tiếp nối nỗ lực đưa mối quan hệ này lên tầm cao mới.

Trong bối cảnh ASEAN đang chuẩn bị bước sang giai đoạn phát triển mới, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 ở Indonesia tháng 9/2023, Việt Nam thông báo sẽ đăng cai tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN nhằm bổ trợ cho các diễn đàn, cơ chế chính thức của Hiệp hội, tạo cơ hội trao đổi rộng rãi về các ý tưởng, sáng kiến về hợp tác khu vực, góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN tự cường và bền vững.

Theo thông tin tại buổi họp báo quốc tế do Bộ Ngoại giao tổ chức đầu tháng 4 này, Diễn đàn Tương lai ASEAN năm 2024 có chủ đề “Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm”. Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nêu rõ, chủ đề này phản ánh quan tâm và kỳ vọng của Việt Nam, cũng như các nước trên thế giới, gắn chặt với định hướng phát triển của ASEAN, nhất là trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và xây dựng Cộng đồng “hướng vào người dân”, “lấy người dân làm trung tâm”.

Việc là thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm của ASEAN mang lại cho Việt Nam những lợi ích thiết thực, mà bao trùm là có được môi trường thuận lợi cho hội nhập và phát triển. Những dấu ấn của Việt Nam trong tiến trình phát triển của ASEAN càng khẳng định rõ nét vai trò và vị thế của Việt Nam trong Hiệp hội, cũng như trên trường quốc tế.