Thương binh Nguyễn Thanh Ðiềm (sinh năm 1947, tại xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) tham gia cách mạng từ năm 1959 đến năm 1966 thuộc lực lượng trinh sát Tổ Quân báo Huyện đội Châu Thành. Trên đường đi công tác, đồng chí lọt vào ổ phục kích, bị địch bắn gãy bàn chân phải, được đồng đội tiếp ứng kịp thời đưa về Trạm Dân y xã điều trị. Tuy nhiên, do vết thương nhiễm trùng phải cưa một đoạn chân phải.
Từ năm 1967, trong quá trình điều trị vết thương, làm chân giả ở Trung tâm chỉnh hình (số 70 Bà Huyện Thanh Quan, Sài Gòn), đồng chí Nguyễn Thanh Ðiềm tiếp cận và được sự đồng ý của lãnh đạo Quân báo Tỉnh đội Bến Tre để làm con nuôi của Lê Minh Ðảo, Tỉnh trưởng tỉnh Chương Thiện, sau này là Tỉnh trưởng tỉnh Ðịnh Tường, Tư lệnh Sư đoàn 18 bộ binh ngụy. Kể từ cuối năm 1967, đồng chí Nguyễn Thanh Ðiềm bắt đầu thực hiện nhiệm vụ bí mật hoạt động trong lòng địch với bí số J2, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Thiên Lý Nhân (nguyên Tổ trưởng Tổ Quân báo Châu Thành, nguyên Trưởng ban Quân báo tỉnh Bến Tre) cho đến ngày miền nam hoàn toàn giải phóng.
Thời gian hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Quân báo tỉnh Bến Tre mà trực tiếp là đồng chí Thiên Lý Nhân, từ 1968 đến 1975, đồng chí Nguyễn Thanh Ðiềm còn hoạt động trong màu áo của lực lượng An ninh T4, An ninh Bà Rịa-Vũng Tàu, Long Khánh, Tân Phú, sau ngày giải phóng là Công an Ðồng Nai và Lữ đoàn 316, Ðặc công Biệt động Sài Gòn-Gia Ðịnh. Ðồng chí đã lập nhiều thành tích xuất sắc. Sau 30/4/1975, theo chỉ đạo của Ban Quân báo và Chỉ huy Tỉnh đội Bến Tre, đồng chí Nguyễn Thanh Ðiềm trong một thời gian ngắn đã tìm ra nơi ẩn náu và đưa lực lượng ta lên Ðồng Nai bắt tên Ðại tá Phạm Chí Kim, Tỉnh trưởng Kiến Hòa về khai thác, cải tạo...
Hơn 46 năm hoạt động cách mạng, phần lớn thời gian đồng chí Nguyễn Thanh Ðiềm hoạt động trong lòng địch, với vỏ bọc của màu áo Hồng Thập Tự dành cho thương phế binh ngụy, trong sắc áo lính Việt Nam Cộng hòa và bí mật hoạt động trong lòng các tổ chức phản động, với vỏ bọc “tàn quân ngụy” sống những ngày dài trong trại biệt giam để khai thác, nắm bắt âm mưu hoạt động chống phá của bọn ngụy quân, ngụy quyền còn ngoan cố chưa chịu cải tạo.
Năm 2005, sau khi nghỉ chính sách, thương binh ¾ Nguyễn Thanh Ðiềm trở lại quê hương được bên ngoại chia 500m2 đất tại xã An Khánh (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Ðể lưu lại kỷ niệm bên ngoại và kỷ niệm tuổi thơ, Nguyễn Thanh Ðiềm về xây dựng một ngôi nhà để thờ Phật, thờ cha mẹ. Ngôi nhà có thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp và Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Ðịnh.
Từ khi về hưu, đồng chí Nguyễn Thanh Ðiềm tích cực vận động nhà hảo tâm để cùng chăm lo nhà ở cho gia đình chính sách, thương binh. Ngoài ra, đồng chí vận động xây cầu, đường nông thôn, trao tập sách học sinh, xe đạp tặng con em gia đình nghèo, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam tại Bến Tre và các địa phương trong cả nước. Ðồng chí Ngô Văn Quán, Giám đốc Trung tâm UNESCO, nghiên cứu và ứng dụng Phật học Việt Nam cho biết: “Thời gian qua, đồng chí Nguyễn Thanh Ðiềm tham gia vận động phục hồi di tích lịch sử cách mạng, có hầm nuôi giấu cán bộ tại chùa Bảo Ân Cổ Tự, xã Long Phước, thành phố Bà Rịa, xây dựng Ðền thờ Trần Nhân Tông và Ðền thờ Bác Hồ, nhà tình nghĩa, nhà tình thương, cầu nông thôn, khắp miền bắc, miền tây, miền trung, Ðồng Nai, với số tiền khoảng 500 tỷ đồng, gồm 1.000 căn nhà tình nghĩa, tình thương, 10 nghìn tấn gạo, 100 nghìn quyển tập tặng học sinh nghèo…”.
Tại tỉnh Bến Tre, đồng chí Nguyễn Thanh Ðiềm đã vận động hỗ trợ xây dựng 178 căn nhà tình nghĩa, tình thương, trao hàng trăm xe đạp tặng học sinh và mới đây hỗ trợ 200 triệu đồng cho thị trấn Phước Mỹ Trung (huyện Mỏ Cày Bắc) xây cầu, tổng số tiền mà đồng chí vận động hỗ trợ cho công tác đền ơn, đáp nghĩa ở Bến Tre là hơn 14 tỷ đồng...
Ðồng chí Nguyễn Thanh Ðiềm tâm sự: “Quê hương, là nơi chôn nhau, cắt rốn của mình nên tôi phải có trách nhiệm xây dựng quê hương. Tỉnh Bến Tre bị tàn phá nặng nề, hơn 35 nghìn liệt sĩ, hơn 20 nghìn thương binh, hàng nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng... 30 năm rồi mà chưa vượt qua nghèo khó, nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa có tên trên bia mộ, gia đình chính sách, liệt sĩ, thương binh còn khó khăn về nhà ở... Vì vậy, mình còn làm được gì thì cố gắng làm để giúp gia đình chính sách, học sinh nghèo tiếp tục đến trường”.
Ðại tá Trần Quốc Việt, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bến Tre (bạn chiến đấu với thương binh Nguyễn Thanh Ðiềm) chia sẻ: “Ðồng chí Ðiềm là người hết lòng trong việc vận động các nhà hảo tâm làm công tác an sinh xã hội tại địa phương. Nhiều năm qua, đồng chí đã tích cực vận động, ủng hộ bằng vật chất cho nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện công tác an sinh xã hội như xây nhà nghĩa tình đồng đội, học bổng, học phẩm, tập vở, xe đạp... cho con em thương bệnh binh, học sinh nghèo vượt khó học giỏi...”.
Ðến nay, đồng chí Nguyễn Thanh Ðiềm đã nhận được 4 bằng khen của UBND tỉnh Bến Tre vì đã có thành tích trong bảo vệ an ninh Tổ quốc và trong công tác thiện nguyện tại địa phương. Mỗi ngày, người cựu cán bộ tình báo, thương binh Nguyễn Thanh Ðiềm vẫn miệt mài tìm nguồn tài trợ rồi xây cầu, xây nhà, trao xe đạp, dụng cụ học tập tặng học sinh nghèo… bằng tất cả tấm lòng của mình đối với quê hương.