Ý kiến này đã nhận được sự ủng hộ của các đại biểu trong Tọa đàm “Thực trạng thuốc lá mới và giải pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng” diễn ra hôm 19/10 vừa qua.
Quyết liệt và đồng bộ hành động để sớm ngăn giới trẻ sử dụng thuốc lá
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) 2012 quy định rõ ràng, chặt chẽ ở Điều 9 về việc không cho phép người chưa đủ 18 tuổi mua, bán, sử dụng thuốc lá. Điều 29 Nghị định 117/2020 ngày 28/9/2020 cũng quy định các vi phạm về phòng, chống tác hại thuốc lá. Cụ thể, Nghị định nêu rõ hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000-500.000 đồng đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi có hành vi sử dụng thuốc lá.
Trao đổi tại tọa đàm trên, ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, khi nói về thuốc lá mới là đang nói đến 2 sản phẩm: thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Đồng thời, phải khẳng định đây là sản phẩm công nghệ mới, nhằm đáp ứng nhu cầu hút thuốc của người hút thuốc và đang phổ biến trên toàn cầu. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tại Việt Nam các sản phẩm này lại lưu thông trên thị trường chợ đen, biến tướng nhiều chủng loại, đa dạng. Dẫn chứng cho vấn đề này, ông Tạ Văn Hạ cũng đưa ra các sản phẩm thuốc lá điện tử với kiểu dáng bao bì bắt mắt, được nguy trang trong hình ảnh hộp sữa, đồ chơi...
Về nguồn cung cấp thuốc lá mới, ông Tạ Văn Hạ cho biết, phần lớn các em từ 13-15 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử là do được người khác đưa cho, một tỷ lệ nhỏ là mua ở các cửa hàng chung quanh trường học, số khác thì mua của chính các bạn học của mình. Đây là vấn đề nguy cấp, cần sự tham gia chung của các bộ ngành liên quan trong hành động, chỉ báo động là không đủ.
Theo đó, dựa trên khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về tác hại của thuốc lá, trong đó có thuốc lá mới, đối với trẻ em, cần cấm trẻ tiếp xúc với thuốc lá, bất kể là thuốc lá điếu hay thuốc lá mới.
“Từ mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của trẻ em, chúng ta cần hoàn thiện ngay chính sách pháp luật, bao gồm cả công tác quản lý”, ông Hạ nêu quan điểm.
Để thực tiễn hóa điều này, theo ông Hạ, trước hết phải đánh giá được tác động, ảnh hưởng của thuốc lá mới đối với sức khỏe, đối với môi trường sống. Song song đó, phải hoàn thiện quy định, chế tài để kiểm soát các sản phẩm này. Còn trước mắt, phải tăng cường phòng chống buôn lậu thuốc lá mới vào Việt Nam và tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước liên quan.
Tiếp đó, phải tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi tới gia đình, ông bà cha mẹ, các em rồi đến nhà trường và xã hội về ảnh hưởng, tác hại của mọi loại thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử vì có chứa dung dịch tinh dầu cùng nhiều hương liệu khác đang bị kẻ xấu pha chế, đưa thêm những chất gây nghiện, chất hướng thần, ma túy, cần sa… để đầu độc các thế hệ trẻ. Đây là vấn đề cần phải có giải pháp quyết liệt xử lý triệt để.
Xây dựng phương án quản lý phù hợp
Thuốc lá là ngành hàng đặc thù, có tác động đến các chủ thể liên quan bao gồm Nhà nước, người dùng, doanh nghiệp, giới trẻ, thuế... Do đó, biện pháp quản lý phù hợp cần dung hòa quyền lợi các chủ thể liên quan.
Mới đây nhất, ngày 7/11, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết đang xây dựng phương án quản lý theo hướng phù hợp với Hiến pháp, Luật Đầu tư, các quy định khác có liên quan và chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, đảm bảo chặt chẽ, phù hợp với chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá, an toàn sức khỏe cho người sử dụng, dung hòa quyền lợi giữa các chủ thể liên quan, phù hợp thông lệ quốc tế và những cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên phát biểu tại một tọa đàm tháng 11 |
Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, trên tinh thần của Chính phủ là tôn trọng thực tế khách quan về nhu cầu của xã hội, cần có biện pháp đồng bộ để đảm bảo người dùng sử dụng được hàng có chất lượng, tránh thất thu ngân sách Nhà nước, đảm bảo quản lý được thị trường để không tạo thành một mặt hàng siêu lợi nhuận, và bao trùm tất cả là bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Đại diện Văn phòng Chính phủ, ông Vũ Công Thảo, Vụ Khoa giáo văn xã nhìn nhận, thuốc lá mới cần có sự đánh giá của các nhà khoa học, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế và trong nước. Việc thuốc lá mới có tác hại như thế nào đến người sử dụng, đến thế hệ trẻ và thanh thiếu niên, thì cần phải đánh giá có chiều sâu hơn; đồng thời, phải cần có các nhà khoa học tham gia vào lĩnh vực này.
Người đứng đầu ngành công thương cũng cho biết: Bộ Tư pháp đề nghị cần đánh giá sự tương thích của thuốc lá thế hệ mới với định nghĩa của thuốc lá hiện nay. Nếu có sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nào thuộc phạm trù thuốc lá thì đề xuất đưa định nghĩa thuốc lá thế hệ mới vào Nghị định về kinh doanh thuốc lá thay thế Nghị định 67/2013/NĐ-CP để có hình thức quản lý phù hợp.
Bộ Công thương dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 67/2013/NĐ-CP trong quý IV năm nay.