Tại hội thảo, các giải pháp trọng tâm liên quan đến các hành vi vi phạm của người tham gia giao thông như uống rượu bia, tốc độ, thắt dây an toàn, mũ bảo hiểm… đã được các chuyên gia phân tích và kiến nghị chỉnh sửa, bổ sung.
Nhân tố con người quan trọng nhất
Theo TS Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong những năm gần đây, ở nước ta có tới 70% số vụ va chạm giao thông đường bộ liên quan nhân tố con người, 40% số vụ va chạm đường bộ do hành vi có nguy cơ dẫn tới mất an toàn giao thông hoặc hậu quả lớn như sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông; vi phạm tốc độ; không đội mũ bảo hiểm; không thắt dây an toàn và không trang bị thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô-tô. Thực tế này cho thấy cần có những giải pháp toàn diện quản lý các yếu tố có nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông hoặc hậu quả lớn tại Việt Nam.
PGS, TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng, chống chấn thương, Trường đại học Y tế công cộng chia sẻ: Sau hơn 10 năm thực hiện bắt buộc đội mũ bảo hiểm, vẫn còn tới một nửa các ca tử vong xảy ra ở nhóm người tham gia giao thông dễ bị tổn thương (đi xe máy, xe đạp, đi bộ). Trong số này, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm đúng cách, bảo đảm an toàn chỉ khoảng 50%. Hiện nay, có khoảng 25% người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn, chủ yếu để “đối phó” với lực lượng chức năng mà không nghĩ rằng, loại mũ không đạt chuẩn không có chức năng bảo vệ khi xảy ra va chạm giao thông.
Các chuyên gia nhận định, báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chỉ ra, nếu thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô-tô có thể giảm tới 40-50% nguy cơ tử vong đối với lái xe và người ngồi ghế trước; giảm 25% nguy cơ tử vong và người bị thương nghiêm trọng đối với người ngồi ghế sau; giảm 75% bị thương nhẹ trong các vụ va chạm và giảm đáng kể nguy cơ bị văng ra khỏi xe trong các trường hợp va chạm. Tuy nhiên, ở Việt Nam, tỷ lệ lái xe thắt dây an toàn khi xe chạy trong đô thị còn rất thấp; tỷ lệ thắt dây an toàn của người ngồi hàng ghế phía trước và phía sau chỉ đạt dưới 30%,... mặc dù các quy định pháp lý đã đầy đủ, mức xử phạt đủ sức răn đe.
Đưa ra khuyến nghị cho việc đội mũ bảo hiểm phát huy hiệu quả, PGS, TS Phạm Việt Cường cho rằng, cần rà soát và hoàn thiện các văn bản pháp luật, quy định cụ thể việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em; đội mũ loại 3/4 hoặc cả đầu đối với các tuyến đường ngoài thành phố; xử phạt nghiêm việc đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn, không đúng cách. TS Lê Thu Huyền, Giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển giao thông vận tải cho biết, qua nghiên cứu của WHO, tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia chiếm trung bình khoảng 36% số vụ, nhưng theo thống kê từ cơ quan chức năng, vi phạm quy định về nồng độ cồn chỉ chiếm khoảng 4-5% là quá thấp, không phản ánh đúng thực tế. Nguyên nhân dẫn đến vi phạm nồng độ cồn là do kiến thức, thái độ và nhận thức của người dân chưa thật sự đầy đủ. Qua điều tra cho thấy có tới 90% thực khách trực tiếp lái xe về từ quán bia.
Sửa đổi quy định phù hợp thực tiễn
Các chuyên gia Từ Sỹ Sùa và Nguyễn Minh Hiếu cho biết, vấn đề quản lý tốc độ đã được quan tâm thực hiện từ lâu với những quy định rõ ràng và nhận được sự đánh giá khả quan từ quốc tế. Báo cáo an toàn giao thông đường bộ của WHO, việc cưỡng chế thực thi quy định tốc độ ở Việt Nam đạt mức khá với tổng điểm là 7/10. Nhưng trên thực tế, việc quản lý tốc độ chưa đạt như kỳ vọng vì còn tồn tại các bất cập như áp dụng đại trà tốc độ giới hạn tại đường trong đô thị có phân cách giữa ở mức cao (60km/giờ, trong khi thế giới là 50km/giờ); các tuyến đường có cắm biển hạn chế tốc độ thì mọi loại xe (xe khách, xe tải) đều có thể được chạy với tốc độ cao tương tự như xe con.
Trên đường cao tốc, có tình trạng xe khách, xe tải thường xuyên chạy vào làn vượt với tốc độ cao, cùng với nhiều xe con tốc độ thấp (60-70km/giờ) buộc các xe khác phải tránh, chuyển làn… gây mất an toàn giao thông. Các chuyên gia kiến nghị nên quy định thống nhất tốc độ khu vực đô thị và khu vực đông dân cư xuống 50km/giờ với tất cả các loại đường; xem xét giảm tốc độ giới hạn và siết chặt thời gian hoạt động của xe tải trọng lớn trong khu vực đô thị và khu đông dân cư,… Theo tính toán, nếu giảm tốc độ 5% sẽ giúp giảm số vụ va chạm giao thông nghiêm trọng tới 30%.
Các số liệu khảo sát tại một số quốc gia có thu nhập thấp và trung bình cho thấy, trong các vụ va chạm giao thông, lái xe có nồng độ cồn chiếm từ 4% đến 69%, người đi bộ có nồng độ cồn chiếm từ 18 đến 90%, người đi xe máy từ 10% đến 28%. Trong 10 năm qua, nhờ sự gia tăng của việc đội mũ bảo hiểm, đã có khoảng 500 nghìn ca chấn thương đầu và 15 nghìn ca tử vong đã được ngăn chặn. Việc áp dụng quy định kiểm tra nồng độ cồn ngẫu nhiên đã cho thấy đây là một giải pháp hiệu quả rất cao và có thể giảm tới 20% số vụ va chạm giao thông liên quan nồng độ cồn. Đồng thời, đối với vi phạm nồng độ cồn, nên đa dạng hóa hình thức xử phạt (trừ điểm bằng lái, phạt lũy tiến, buộc học và thi lại bằng lái xe, nếu vi phạm nghiêm trọng có thể phạt tù…). Hành vi vi phạm quy định nồng độ còn ở mức đặc biệt nghiêm trọng kể cả khi chưa gây hậu quả cũng cần được xem xét truy tố hình sự.
Góp ý vào các giải pháp nhằm kéo giảm tai nạn giao thông, GS, TS Từ Sỹ Sùa (Trường đại học Giao thông vận tải) kiến nghị, cần cho phép chính quyền địa phương chủ động trong tổ chức giao thông và kiểm soát tốc độ trên địa bàn,… Về dây an toàn trên ô-tô, các ghế trên ô-tô đều phải có dây an toàn; tất cả người ngồi trên ô-tô (gồm cả lái xe và hành khách cả ghế trước và ghế sau) đều phải thắt dây an toàn đúng cách. Đối với thiết bị an toàn cho trẻ em, khuyến nghị trẻ em có chiều cao dưới 135cm và dưới 12 tuổi được chở trên ô-tô cá nhân bắt buộc phải được bảo vệ bằng các thiết bị an toàn phù hợp chiều cao, độ tuổi và không được phép ngồi hàng ghế phía trên, bên cạnh lái xe.
Để đạt mục tiêu toàn cầu giảm tỷ lệ thương vong và tử vong do tai nạn giao thông, phương pháp tiếp cận lấy con người làm trung tâm đóng vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động hợp tác và thay đổi hành vi tham gia giao thông. Đây là quan điểm được các chuyên gia giao thông nhiều lần nhấn mạnh. “Tai nạn giao thông đường bộ là thảm họa cho toàn xã hội và không một cơ quan, tổ chức nào có thể đơn phương thực hiện công cuộc đẩy lùi thảm họa này. Việt Nam đã và đang cam kết mạnh mẽ trong việc chung tay cùng cộng đồng thế giới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe và cuộc sống bình an cho mọi người dân”, TS Trần Hữu Minh khẳng định.