Liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa qua mô hình liên hiệp hợp tác xã

NDO -

Liên hiệp hợp tác xã có mục tiêu xây dựng hệ thống vùng nguyên liệu của các hợp tác xã thành viên nhằm ổn định về mặt chất lượng sản phẩm và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm; xây dựng bộ quy trình sản xuất lúa, gạo an toàn...

Liên kết sản xuất lúa để nâng cao giá trị gia tăng.
Liên kết sản xuất lúa để nâng cao giá trị gia tăng.

Chiều 13/8, Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác (CCD - Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II), thành viên của Tổ Công tác 970 (Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía nam trong điều kiện dịch Covid-19 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức buổi kết nối trực tuyến giữa Tập đoàn Lộc Trời với UBND huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp và các hợp tác xã trên địa bàn huyện để trao đổi về mô hình liên hiệp hợp tác xã nhằm liên kết sản xuất và thu mua lúa.

Theo đó, liên hiệp hợp tác xã có mục tiêu xây dựng hệ thống vùng nguyên liệu của các hợp tác xã thành viên nhằm ổn định về mặt chất lượng sản phẩm và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm; xây dựng bộ quy trình sản xuất lúa, gạo an toàn; xây dựng hệ thống liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp trong và ngoài nước…

Tại buổi thảo luận, các hợp tác xã đã nêu khó khăn, thuận lợi trong quá trình liên kết trên các mặt: cung cấp vật tư nông nghiệp, giá thu mua lúa, diện tích bao tiêu…

Tập đoàn Lộc Trời cho biết, tới đây sẽ thực hiện mô hình “bao lợi nhuận” cho nông dân, hợp tác xã. Theo đó, hợp tác xã bảo đảm về sản lượng lúa, doanh nghiệp bảo đảm về mức lợi nhuận đã thỏa thuận.

Trước đó, ngày 9/8, Tập đoàn Lộc Trời cùng đại diện 7 hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đã tổ chức Hội nghị thành lập Liên hiệp Hợp tác xã Thoại Sơn. Đây cũng là liên hiệp hợp tác xã lúa gạo đầu tiên của tỉnh An Giang.