Tạo lực đẩy mới cho kinh tế tư nhân

Dù đóng góp 50% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho hơn 80% tổng số lao động nhưng khu vực kinh tế tư nhân vẫn được đánh giá là phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Các chuyên gia nhận định, khi rào cản dần được tháo gỡ, cùng với chính sách thông thoáng và môi trường kinh doanh lành mạnh hơn, kinh tế tư nhân sẽ đủ sức trở thành động lực tăng trưởng hàng đầu của đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam vẫn chủ yếu duy trì mô hình từ nhỏ đến siêu nhỏ. Ảnh: NGUYỆT ANH
Khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam vẫn chủ yếu duy trì mô hình từ nhỏ đến siêu nhỏ. Ảnh: NGUYỆT ANH

Tìm cách vượt khó

Kinh tế tư nhân bao gồm ba khu vực: doanh nghiệp tư nhân, khu vực kinh tế cá thể và khu vực kinh tế tập thể. Việt Nam hiện có khoảng 940 nghìn doanh nghiệp tư nhân, chiếm đến 98% tổng số doanh nghiệp của cả nước. Cùng với đó là hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể và 32 nghìn hợp tác xã. Nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn như Vingroup, Masan, Sun Group, Vietjet, Thaco, TH... đã vươn tầm khu vực và thế giới, đóng góp không nhỏ vào việc nâng tầm uy tín Việt Nam trên thương trường. Tuy nhiên, theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia, việc chỉ tăng chưa đến 3% giá trị đóng góp vào GDP trong suốt 20 năm qua của khu vực kinh tế tư nhân phản ánh thực tế còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, đóng góp của doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh vào ngân sách nhà nước cũng được đánh giá là còn hạn chế so với nguồn lực hiện có. Kinh tế tư nhân đóng góp 50% GDP nhưng chỉ đạt 30% ngân sách nhà nước. Đặc biệt, hơn 5,2 triệu hộ kinh doanh cá thể chỉ đóng góp 1,64% ngân sách nhà nước.

Tập trung hơn 6,1 triệu cơ sở kinh doanh nhưng trong thực tế, khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam vẫn chủ yếu duy trì mô hình từ nhỏ đến siêu nhỏ, nhiều hộ kinh doanh chưa muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp. Bà Lý Kim Chi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thủ tục hành chính rườm rà, cơ chế xin - cho và tư duy “không quản được thì cấm” đang tạo ra nhiều rào cản khiến các hộ kinh doanh ngại chuyển đổi mô hình. Từ chuyện hoàn thuế, xin giấy phép đầu tư đến xây dựng nhà xưởng, mở rộng quy mô sản xuất, doanh nghiệp đụng đâu khó đó. Cùng đóng 20% thuế thu nhập vào ngân sách nhà nước nhưng doanh nghiệp tư nhân luôn “lép vế” trong việc tiếp cận các dịch vụ công, vốn, đất đai và cơ hội kinh doanh.

Vì sao khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam vẫn chưa phát triển một cách mạnh mẽ? Theo ông Thái Thanh Quý, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chính sách, chiến lược Trung ương, nguyên nhân đến từ hai phía. Tình trạng nhũng nhiễu gây khó khăn trong bộ máy hành chính vẫn đang làm nản lòng doanh nghiệp. Nhiều trở lực từ quy định, thủ tục của các cơ quan quản lý nhà nước khiến cho doanh nghiệp tổn phí cơ hội, thời gian, chi phí vận hành, giảm năng lực cạnh tranh, thậm chí gây tâm lý bức xúc, chùn bước để khởi nghiệp hoặc nâng cấp, mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhưng mặt khác cũng cần nhìn nhận từ phía các doanh nghiệp, doanh nhân trong nước. Tư duy kinh doanh của nhiều doanh nghiệp tư nhân còn nhiều hạn chế, thậm chí vẫn duy trì tình trạng doanh nghiệp không muốn lớn, không chịu lớn.

Ông Quý đưa ra 5 giải pháp để tháo gỡ khó khăn hiện tại cho khu vực kinh tế tư nhân, tập trung ưu tiên yếu tố cải cách, đổi mới nhằm giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có môi trường hoạt động tối ưu hơn. Theo chuyên gia này, thời gian tới, cần có chiến lược, cơ chế, chính sách rõ ràng cho phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó xác định rõ chất lượng phát triển cho các chủ thể. Doanh nghiệp tư nhân lớn đóng vai trò dẫn dắt, đi đầu trong các lĩnh vực trọng yếu, tham gia giải các bài toán lớn của quốc gia. Các doanh nghiệp tư nhân quy mô vừa và nhỏ phát triển gắn liền ở việc hình thành các quỹ sản xuất, từng bước vươn lên trở thành doanh nghiệp lớn. Các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi mạnh mẽ sang hoạt động theo mô hình của doanh nghiệp.

Thay đổi tư duy

Bà Lã Thị Lan, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đầu tư Tiến Lộc cho rằng, một cơ chế linh hoạt, thông thoáng sẽ giúp doanh nghiệp tư nhân phát huy tiềm năng và gia tăng đóng góp cho nền kinh tế. Doanh nghiệp tư nhân mong chờ Nhà nước tiếp tục tháo gỡ các rào cản pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn, đất đai, cũng như bảo đảm một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng. “Để nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh, chúng tôi mong muốn nhà nước tạo cơ chế khuyến khích mạnh mẽ hơn cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Đó là chính sách ưu đãi thuế, tín dụng và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, cần mạnh dạn đặt hàng doanh nghiệp tư nhân trong các dự án hạ tầng, sản xuất công nghiệp và năng lượng xanh. Cùng với đó là tăng cường hợp tác giữa Nhà nước - Doanh nghiệp - Viện - Trường bằng những cơ chế cụ thể hơn”, bà Lan phân tích thêm.

Muốn tạo đà cho kinh tế tư nhân phát triển vượt bậc trong giai đoạn mới, theo TS Cấn Văn Lực, trước tiên, phải có cái nhìn đúng đắn hơn về vai trò, vị trí của khu vực này trong nền kinh tế chung. Cần bảo đảm ba quyền rất quan trọng cho kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân yên tâm phát triển là quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh những thứ pháp luật không cấm và quyền cạnh tranh bình đẳng. Cùng với đó là tăng khả năng tiếp cận với ba nguồn lực quan trọng cho doanh nghiệp, gồm: đất đai, tài chính và đổi mới công nghệ. Việc hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm nhũng nhiễu trong quản lý hành chính và sớm ban hành khung pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số cũng cần được quan tâm.

Theo ông Lực, Việt Nam cần sớm thành lập quỹ hỗ trợ chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp. Hiện nay, các nước tại châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đều có quỹ hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm cũng là điều cần thiết trong việc tạo đòn bẩy cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển quy mô, tập trung cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. “Phải phân loại doanh nghiệp ra để quản lý, hỗ trợ chứ không cào bằng. Nhỏ ra nhỏ, lớn ra lớn và trung ra trung chứ không phải lấy một vung úp ba nồi, như vậy thì không thể khớp được. Việc hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển để hội nhập, vươn tầm quốc tế nên căn cứ vào mức độ đóng góp của doanh nghiệp trở lại cho nền kinh tế như đóng góp vào ngân sách, quỹ việc làm hay an sinh xã hội chứ không phải là hỗ trợ theo quy mô”.

Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương Mai Hữu Tín cho rằng, có ba giải pháp cốt lõi cần tập trung trong giai đoạn tới nhằm tạo động lực phát triển hiệu quả hơn cho khu vực kinh tế tư nhân tại nước ta. Trước tiên, phải nâng tỷ lệ đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng trong các năm tới. Việt Nam hiện mới chỉ đang đầu tư hơn 5% GDP hằng năm cho cơ sở hạ tầng. Cùng với đó là cải thiện môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính, tích cực xóa bỏ cơ chế xin – cho, gia tăng tính chính xác của các số liệu, báo cáo thông qua ứng dụng chính phủ điện tử. Cuối cùng là tập trung đầu tư cho nguồn nhân lực bằng nhiều chính sách hỗ trợ cho giáo dục, đào tạo.

Cải cách thể chế, cơ chế một cách liên tục, mạnh mẽ, có lộ trình, có sự phân nhiệm minh bạch là đề xuất của ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel. Theo ông, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu rất kỹ trước khi ban hành các cơ chế, chính sách mới liên quan đến kinh tế tư nhân nhằm tháo gỡ dần rào cản, bổ sung thêm cơ hội. Chính phủ nên xây dựng lộ trình chi tiết, rõ ràng, có KPI cụ thể và tăng cường giám sát qua KPI trong hoạt động này. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn tới cũng cần kịp thời, bảo đảm công bằng về chính sách. Chính phủ cũng xem xét nghiên cứu việc thành lập các tổ chuyên trách cấp Trung ương để việc triển khai hiệu quả, nhất quán, tránh qua nhiều cấp, nhiều ngành không cần thiết. Đặc biệt, ông Kỳ đề xuất cần thay đổi nhận thức, phân vai nhằm thiết kế chính sách theo hướng “kiềng 3 chân”. Trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ chốt thay vì tư duy theo ba tầng bậc như hiện nay.

Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh vừa phối hợp tổ chức Hội thảo “Tháo gỡ bất cập chính sách để phát huy vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế Việt Nam”. Phát biểu ý kiến khai mạc hội thảo, đồng chí Lê Quốc Minh (Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam) khẳng định tầm quan trọng của kinh tế tư nhân thông qua những Văn kiện Đại hội Đảng, Nghị quyết và định hướng của Đảng như Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 hay Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị. Đồng chí nhấn mạnh, quan điểm, chủ trương nhất quán, đúng đắn và xuyên suốt của Đảng về kinh tế tư nhân là nền tảng để kinh tế tư nhân vươn lên mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước suốt chặng đường 40 năm đổi mới. Hội thảo cung cấp cái nhìn tổng quan về vai trò, tiềm năng và thách thức của kinh tế tư nhân, đồng thời làm rõ những bất cập về chính sách đang kìm hãm sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, đề xuất các giải pháp thiết thực. Đây cũng là diễn đàn quan trọng để các doanh nghiệp đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân của Đảng và Chính phủ.