Thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ ở Bình Dương

NDO - Ngày 4/8, tại Bình Dương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phối hợp Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức hội nghị tọa đàm thực trạng các cơ chế thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng hiện nay tại Đảng bộ tỉnh Bình Dương.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh hội nghị tọa đàm.
Toàn cảnh hội nghị tọa đàm.

Chủ trì hội nghị tọa đàm có các đồng chí: Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Cao Văn Thống, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương.

Tỉnh Bình Dương hiện có 14 Đảng bộ cấp trên cơ sở, trong đó có 9 Đảng bộ huyện, thị, thành phố, 2 Đảng bộ lực lượng vũ trang, 2 Đảng bộ Công ty cao su và 1 Đảng bộ khối các cơ quan và doanh nghiệp; 568 tổ chức cơ sở Đảng, trong đó có 91 Đảng bộ xã, phường, thị trấn.

Hội nghị tọa đàm nhằm xác định, đánh giá đúng thực trạng các cơ chế thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng trong thời gian qua; qua đó đề xuất phương hướng, giải pháp nhằm hoàn thiện các cơ chế thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng trong tình hình mới...

Phát biểu đề dẫn hội nghị tọa đàm, đồng chí Cao Văn Thống, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, từ kinh nghiệm, thực tiễn ở các địa phương, đơn vị, các đại biểu cần đưa ra những ý tưởng về đổi mới đối với cơ chế thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ; dự báo tình hình, xác định các vấn đề đang đặt ra, từ đó hiến kế cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương các phương hướng, giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng để mọi hoạt động và tổ chức của Đảng trong bất kỳ tình hình mới nào luôn thống nhất và hiệu quả, theo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ và được bảo đảm bởi nguyên tắc tập trung dân chủ.

Tại hội nghị tọa đàm, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá việc thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động của cấp ủy, tổ chức Đảng, trong công tác lãnh đạo của Đảng cũng như việc tổ chức, ban hành nghị quyết, quyết định và thực hiện; cơ chế thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng, trong tự phê bình và phê bình, trong sinh hoạt cấp ủy, chi bộ, đảng bộ, trong Đại hội Đảng các cấp...

Các đại biểu cũng phân tích những kết quả, hạn chế, những nguyên nhân và kinh nghiệm thực tiễn; đồng thời đề xuất việc chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về thực hiện; công tác kiểm tra, giám sát; các cơ chế, chính sách, các quy định để phát huy cơ chế thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ...

Thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ ở Bình Dương ảnh 1

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm phát biểu ý kiến tại hội nghị tọa đàm

Phát biểu ý kiến tại hội nghị tọa đàm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm cho rằng, hội nghị tọa đàm rất sâu sắc, có tính chất trao đổi, chia sẻ cả tính chuyên môn và phương pháp trong lãnh đạo, điều hành công tác Đảng của tỉnh và công tác kiểm tra, giám sát của Trung ương. Các ý kiến tại hội nghị tọa đàm đã tập trung khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực thi cơ chế, nguyên tắc tập trung dân chủ bằng những kinh nghiệm, cách làm rất sinh động, vừa giữ được nguyên tắc nhưng cũng có nhiều đổi mới và linh hoạt, vận dụng sáng tạo trong quá trình công tác ở địa phương, đơn vị.

Bên cạnh đó, các ý kiến đã cung cấp những cách làm có nguyên tắc, có sáng tạo, trong đó nổi bật như tình hình thực thi và ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số về cơ chế thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng; đồng thời đã đưa ra những vấn đề mang tính dự báo rất sâu sắc. Trên cơ sở các ý kiến tại hội nghị tọa đàm, ban tổ chức chủ trì hội nghị ghi nhận và tiếp thu có chọn lọc để hoàn thiện báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.