Thực thi các giải pháp thích ứng với thiên tai dị thường, khốc liệt

Tác động của biến đổi khí hậu khiến thiên tai trên thế giới cũng như tại Việt Nam ngày càng dị thường, khốc liệt và đã gây thiệt hại rất lớn đến tính mạng, tài sản của người dân. Trước tình hình này, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã đưa ra các giải pháp để thích ứng kịp thời với thiên tai và những tác động do biến đổi khí hậu gây ra.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia theo dõi diễn biến bão Yagi. (Ảnh VIỆT LINH)
Cán bộ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia theo dõi diễn biến bão Yagi. (Ảnh VIỆT LINH)

Theo thống kê, tính đến ngày 28/9, bão số 3 và hoàn lưu của nó đã khiến 344 người chết và mất tích, thiệt hại về vật chất ước tính gần 82.000 tỷ đồng.

Dị thường và khốc liệt

Những ngày đầu tháng 9 vừa qua, các tỉnh phía bắc nước ta đã trải qua một thảm họa thiên tai nghiêm trọng nhất trong nửa thế kỷ qua khi siêu bão Yagi (bão số 3) đổ bộ và tàn phá. Bão gây ra gió mạnh dữ dội, mưa lớn, lũ lịch sử trên các sông và ngập lụt ở 21 tỉnh, thành phố.

Đáng chú ý, bão số 3 (năm 2024) là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực Biển Đông, cường độ bão tăng rất nhanh và duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài, mức độ giảm cấp trên đường đi không theo quy luật thông thường. Thời gian lưu bão trên đất liền kéo dài tới 12 giờ, gây gió mạnh, mưa đặc biệt lớn cho khu vực Bắc Bộ.

Nhớ lại quá trình theo dõi siêu bão Yagi, Phó Tổng cục trưởng Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Đức Cường đánh giá: Đây là áp thấp nhiệt đới hình thành ở ngoài biển Đông và mạnh lên thành bão. Chỉ khoảng hai ngày sau khi vào Biển Đông, bão đã tăng từ cấp 8 lên cấp 16.

Đây là kỷ lục đầu tiên mà những người theo dõi, làm công tác dự báo ghi nhận có độ tăng cấp nhanh nhất. Khi vào Vịnh Bắc Bộ, bão đổ bộ trực tiếp Quảng Ninh, Hải Phòng nhưng hoàn lưu vẫn rộng và mức ảnh hưởng vẫn là cấp 14. Các vị trí tiền tiêu là Vân Đồn, Bãi Cháy (Quảng Ninh) có bão cấp 13-14, giật cấp 17; trong khi đó, trên địa bàn Hải Phòng cấp 12-13 giật cấp 15.

Điểm bất thường nữa của bão số 3 là mưa lớn. Khi bão di chuyển sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ở khu vực phía tây Bắc Bộ, nhưng mưa lớn nhất do hoàn lưu bão số 3 chủ yếu ở phía đông dãy núi Hoàng Liên Sơn, dù không nằm trên đường đi của bão, không chịu tác động trực tiếp của gió bão.

Hầu hết các cơn bão có quỹ đạo tương tự trước đây thường gây mưa lớn ở phía tây dãy núi Hoàng Liên Sơn. Mưa rất lớn trên diện rộng với lượng mưa phổ biến ở mức 400 mm đến 500 mm, nhiều nhất là 700 mm.

Đáng chú ý, có những khu vực xuất hiện lượng mưa hơn 200 mm chỉ trong vòng hai giờ đồng hồ (đêm 9/9 tại thành phố Yên Bái). Do mưa lớn nên sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đã xảy ra ở nhiều địa phương gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Trong đó, trận sạt lở tại thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người. Một trong những nguyên nhân chính là do khu vực miền núi phía bắc trong ba tháng qua đã có mưa rất nhiều, cao hơn từ 40-60% so với trung bình nhiều năm.

Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, địa chất, các thiên tai như sạt lở đất, lũ quét ngày càng xảy ra trên quy mô lớn với tần suất ngày càng dày ở khu vực miền núi, trung du Việt Nam, do có nhiều yếu tố và tác động tự nhiên và dân sinh. Ở miền núi, các sườn dốc lớn, kéo dài là nơi hay xảy ra sạt lở đất, lũ bùn đá.

Trong khi đó, điều kiện thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều làm cho các đá dễ bị phong hóa vật lý chuyển từ trạng thái cứng sang vỡ vụn và dễ hòa tan, rửa lũa. Khi mưa kéo dài ngày làm mực nước ngầm dâng cao, đất mất độ gắn kết gây lở đất, xói lở các hẻm vực rãnh. Khi sạt lở đất xảy ra với khối lượng lớn không thoát kịp sẽ tạo ra dòng lũ bùn đá.

Bên cạnh đó, các tác động dân sinh từ các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội ở miền núi, trung du ở Việt Nam bao gồm: Xây dựng các công trình giao thông, điện, trạm, thủy điện, đập, hồ, khai thác khoáng sản, khai thác đất, đá làm vật liệu xây dựng đã làm thay đổi địa hình tự nhiên…

Chủ động thích ứng với thiên tai

Để chủ động thích ứng với thiên tai ngày càng dị thường, khốc liệt ở Việt Nam trong thời gian tới, Phó Tổng cục trưởng Khí tượng thủy văn Hoàng Đức Cường đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương cần tiếp tục đầu tư hệ thống công nghệ cảnh báo sớm, nhất là phát triển mô hình hiện đại, công nghệ số, cảnh báo thông tin từ thiên tai, tự nhiên.

Mặt khác, cơ quan dự báo cần tăng cường hợp tác quốc tế và chia sẻ dữ liệu ở các nước; tận dụng công nghệ tiên tiến các nước song phương và đa phương, đưa dữ liệu của Việt Nam vào mô hình hiện đại nhất của các nước trên thế giới; ứng dụng các phương tiện hiện đại trong việc truyền tin, trong đó truyền tin dễ hiểu, nhanh nhất, dễ nhất đến các đối tượng người dân; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành khí tượng thủy văn; huy động các nguồn lực thông qua xã hội hóa đầu tư các đài trạm khí tượng thủy văn tại các địa phương trên cả nước.

Tiến sĩ Vũ Anh Tuân, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam khuyến nghị, Việt Nam cần sử dụng công nghệ vũ trụ, giai đoạn trước thiên tai, có chức năng nhận diện nguy cơ, cảnh báo, nhằm cung cấp thông tin cho ngành khí tượng thủy văn hay trong thiên tai có thể cung cấp thông tin để cơ quan chức năng có giải pháp ứng cứu kịp thời.

Ảnh chụp vệ tinh có thể xuyên qua mây, chụp được cả ban đêm, nên nếu cập nhật liên tục sẽ cung cấp thông tin cảnh báo chính xác, tránh nhiễu loạn thông tin. Sau khi thiên tai xảy ra, công nghệ vũ trụ cũng góp phần đánh giá thiệt hại để khắc phục hậu quả.

Tiến sĩ Nguyễn Đại Trung, Trưởng phòng Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế (Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản) nêu quan điểm, sau khi có hệ thống các bản đồ hiện trạng, phân vùng nguy cơ, hiện trạng và khoanh vùng nguy cơ trượt lở đất đầy đủ ở tỷ lệ 1: 50.000 và chi tiết hơn, cần tăng cường hiệu quả truyền thông, nâng cao năng lực phòng tránh lũ quét, sạt lở đất cho người dân ở những vùng có nguy cơ cao.

Công tác chuyển giao, hướng dẫn sử dụng, tập huấn phải đến được cấp xã, cấp thôn bản và người dân sống trong những vùng có nguy cơ về sạt lở đất, lũ bùn đá, lũ quét; hệ thống thông tin phải được cập nhật các cấp và có địa chỉ xử lý, ra quyết định ứng phó kịp thời, dự báo, cảnh báo sớm về sạt lở đất, lũ quét.

Với người dân, phải luôn sẵn sàng ứng phó với các phương án mà địa phương đã đề ra, không nên chủ quan lơ là ngay cả trong tình hình thời tiết bình yên sau bão. Những người sống trong khu vực cần theo dõi các dự báo, cảnh báo có tiềm năng về sạt lở đất, lũ quét, lũ bùn đá… được các cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp thông báo, cảnh báo về các hiện tượng như lượng mưa, thời gian mưa.

Người dân phải hết sức cảnh giác, đề phòng khi có các dấu hiệu của lũ quét, sạt lở đất, nhất là khi có mưa lớn kéo dài; tránh xa các khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất như triền núi, khu vực giáp sông, suối, nhất là di chuyển đến khu vực an toàn do chính quyền địa phương quy định khi có yêu cầu.