Thực hiện trồng cây thiết thực, hiệu quả

Những năm qua, thành phố Hà Nội đã quan tâm nhiều đến việc đầu tư xây dựng công viên, vườn hoa, cây xanh trên địa bàn các quận, huyện để cải thiện chất lượng sống của nhân dân. Theo Sở Xây dựng, Hà Nội hiện có khoảng 1,8 triệu cây xanh đô thị, chủ yếu là xà cừ, sấu, phượng, muồng, bằng lăng, giáng hương, bàng, chiêu liêu...
0:00 / 0:00
0:00

Riêng giai đoạn 2016-2020, khoảng 1,6 triệu cây được trồng mới. Tuy nhiên, tỷ lệ cây xanh đô thị của thành phố mới đạt khoảng 2m2/người, trong khi theo quy chuẩn với các đô thị loại 1, loại đặc biệt, thì tỷ lệ cây xanh đô thị cần đạt tối thiểu 6-7 m2/người. Chính vì vậy, vào dịp Tết trồng cây đầu xuân, thành phố càng tập trung hơn cho nhiệm vụ trồng cây.

Năm 2024, Hà Nội phấn đấu trồng mới từ 200.000-250.000 cây bóng mát, cây lấy gỗ trên các tuyến đường giao thông đô thị; trồng khoảng 200.000 cây ăn quả; trồng mới, trồng bổ sung từ 20-30 ha rừng; chăm sóc khoảng 3.546 ha rừng trồng; quản lý bảo vệ khoảng 6.483 ha rừng phòng hộ, đặc dụng. Trong đó, riêng đợt ra quân đầu Xuân Giáp Thìn năm 2024, thành phố phấn đấu trồng từ 100.000 đến 120.000 cây xanh các loại, góp phần bảo đảm ổn định tỷ lệ độ che phủ rừng của thành phố.

Thành phố yêu cầu việc tổ chức Tết trồng cây đầu xuân bảo đảm thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức, nhằm tuyên truyền, tạo điều kiện để các cơ quan, đơn vị và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng. Trồng cây xanh đô thị bảo đảm đa dạng về chủng loại, duy trì phát triển cây bản địa, bổ sung giống, loài cây nhập nội mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đất đai trên địa bàn thành phố, thống nhất về kích cỡ cây, cây trồng phải được bảo vệ, chăm sóc đúng kỹ thuật.

Trên các tuyến giao thông, thành phố sẽ trồng cây bóng mát như muồng, sấu, phượng vĩ, bằng lăng, long lão, ban Tây Bắc. Các khu di tích lịch sử, văn hóa, khu đô thị mới, công trình công cộng sẽ được trồng các loại cây bóng mát và thêm cây ăn quả như bưởi, nhãn, cam, quýt, táo. Các khu đất lâm nghiệp sẽ được trồng lim xanh, thông, keo, lát hoa, sao đen, mỡ...

Ðể làm tốt việc này, thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tập trung tuyên truyền về truyền thống tốt đẹp của nhân dân trong phong trào trồng cây, trồng rừng, góp phần bảo vệ môi trường và xây dựng Thủ đô “xanh-sạch-đẹp”; nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, giá trị của trồng cây xanh, trồng rừng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu…

Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng các giải pháp phát triển hệ thống cây xanh đô thị đồng bộ với quy hoạch, phù hợp với đặc điểm của không gian khu vực, đáp ứng yêu cầu mỹ quan đô thị; phát triển hệ thống cây xanh đô thị đa dạng, phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng khí hậu của Thủ đô.