Định hướng xây dựng, phát triển Đất nước - Lý luận và thực tiễn

Thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”

Trong cuốn sách Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo: “Thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; “Đó là việc lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, nguồn lực và mục tiêu của mọi chiến lược phát triển, tôn trọng quyền con người, quyền công dân. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều phải hợp lòng dân, vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân”.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Huyện ủy Phú Riềng (Bình Phước) trao đổi lấy ý kiến đánh giá, góp ý của nhân dân tại cơ sở. (Ảnh: nhandan.vn)
Lãnh đạo Huyện ủy Phú Riềng (Bình Phước) trao đổi lấy ý kiến đánh giá, góp ý của nhân dân tại cơ sở. (Ảnh: nhandan.vn)

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung một nội dung mới quan trọng là “Dân thụ hưởng” trong phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát” đã có từ các đại hội trước.

Sự bổ sung này bắt đầu từ quan điểm cốt lõi “dân là gốc” của Đảng, kế thừa và vận dụng quan điểm “trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh. Nội hàm “Dân thụ hưởng” chứa đựng những giá trị thiết thực với đời sống của nhân dân.

Những năm qua, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhiều tiến bộ.

Các hoạt động tại cộng đồng như ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng, tổ hòa giải cơ sở ở nhiều nơi hoạt động khá hiệu quả, phát huy được dân chủ trực tiếp của nhân dân tại các địa bàn dân cư. Từ phía chính quyền đã tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân nắm bắt các chủ trương, chính sách. Ở các khu dân cư, người dân chủ động bàn bạc, tham gia ý kiến, thực hiện quyền làm chủ, bày tỏ ý kiến của mình… Những điều đó tạo khí thế phấn khởi, khích lệ các tầng lớp nhân dân nâng cao sự đồng thuận trong xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Đây là những tiến bộ đã được ghi nhận trong thực tế và cần được phát huy hơn nữa.

Trong quá trình đổi mới, kinh tế phát triển và tăng trưởng liên tục với tốc độ trung bình gần 7% mỗi năm. GDP bình quân đầu người năm 2023 đã đạt khoảng 4.300 USD, dự kiến năm 2030 sẽ đạt khoảng 7.500 USD.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng y tế, giáo dục-đào tạo, giao thông, bưu chính viễn thông phát triển mạnh mẽ. Việt Nam đã hoàn thành xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học năm 2000, phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2014... Người dân đã được thụ hưởng những thành quả của sự phát triển.

Dù vậy, một số nơi vẫn còn hạn chế, bất cập khi triển khai những công việc cụ thể. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn nêu ra thực trạng đó trong cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội, ngày 14/10/2023: Lâu nay, nhiều nơi cứ nói là thực hiện dân chủ, nhưng thực chất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị ở đó vẫn mượn danh hoặc nhân danh tập thể để hợp thức hóa những quyết định, ý chí chủ quan của cá nhân mình. Một số người có chức, có quyền còn quan cách, gia trưởng, thậm chí có những cá nhân và tập thể trù dập, ức hiếp quần chúng. Để khắc phục những khuyết điểm đó, các cơ quan công quyền cần thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân; tăng cường đối thoại, giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân, đặc biệt là giải quyết kịp thời các đơn, thư khiếu nại, tố cáo. Chính việc giải quyết kịp thời các vướng mắc sẽ không để phát sinh các điểm nóng, vụ việc phức tạp, kéo dài.

Cũng trong cuộc tiếp xúc cử tri đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Ý kiến của nhân dân là quan trọng lắm vì dân là người trực tiếp thụ hưởng và hiểu tất cả.

Tâm niệm điều này, mỗi cán bộ, đảng viên đều cần nâng cao đạo đức công vụ và chất lượng phục vụ nhân dân. Mỗi địa phương, cơ quan, tổ chức cần thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (2022) trong thực tiễn. Đó chính là cơ sở vững chắc cho việc thực hành và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục khẳng định và thực hiện tốt hơn phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” đã được Đảng đề ra.