Ngày 28/8, tại Cần Thơ, Ban Chỉ đạo về Nhân quyền thành phố Cần Thơ phối hợp Văn phòng thường trực về Nhân quyền của Chính phủ tổ chức Hội nghị tập huấn công tác Nhân quyền năm 2024.
Tham dự Hội nghị, có 250 đại biểu là thành viên Ban Chỉ đạo, đại diện lãnh đạo, cán bộ theo dõi công tác nhân quyền thuộc các sở, ban ngành thành phố.
Tại Hội nghị, đồng chí Đồng chí Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng Ban Chỉ đạo về nhân quyền Thành phố Cần Thơ cho biết: Ban Chỉ đạo về công tác nhân quyền thành phố đã làm tốt vai trò tham mưu Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố các giải pháp nhằm ổn định tình hình, quan tâm thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, tích cực thực hiện chính sách đối với người có công, mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân các thương binh, liệt sĩ và nhóm người dễ bị tổn thương, yếu thế.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Ban tổ chức) |
Trong đó, trợ giúp xã hội thường xuyên ngoài cộng đồng cho 42.792 đối tượng bảo trợ xã hội với tổng số tiền hàng tháng hơn 24 tỷ đồng, trợ cấp ưu đãi thường xuyên 4.942 đối tượng người có công với cách mạng, xây dựng và tổ chức Lễ bàn giao 30 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở.
Các đại biểu đã nghe các báo cáo viên trình bày hai chuyên đề gồm: “Công tác nhân quyền trong tình hình mới” và “thực trạng tình hình hiện tượng tôn giáo mới, “đạo lạ”, “tà đạo” và một số giải pháp công tác thời gian tới”.
Tại Hội nghị Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng Thường trực về Nhân quyền của Chính phủ, khẳng định nhân quyền là công tác chung của cả hệ thống chính trị, gắn liền với cấp cơ sở do đó cần sự chung tay, phối hợp của các sở, ban, ngành trong bảo vệ, bảo đảm quyền con người.
Theo đó, đồng chí Nguyễn Văn Kỷ đề nghị Ban Chỉ đạo về Nhân quyền Thành phố Cần Thơ tiếp tục tham mưu xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo, bảo trợ xã hội, an sinh xã hội, chính sách lao động, việc làm; ưu tiên chính sách với nhóm dễ bị tổn thương; bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền cho người dân tộc thiểu số; chủ động vô hiệu hóa hoạt động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền của các thế lực thù địch, nhất là hoạt động móc nối trong-ngoài, chỉ đạo chống phá Việt Nam vào các thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng; nắm chắc tình hình, xử lý triệt để các vấn đề liên quan tôn giáo, dân tộc, khiếu kiện, không để tạo thành điểm nóng.
Đề nghị các sở, ban, ngành nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong tổ chức triển khai thực hiện công tác nhân quyền trên địa bàn thành phố, tham mưu kịp thời, có hiệu quả các giải pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa công tác bảo đảm quyền con người ở cấp cơ sở.
Hội nghị đã cung cấp những thông tin, kiến thức thiết thực về công tác bảo đảm nhân quyền, qua đó giúp cán bộ ở cấp cơ sở thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo đảm, thúc đẩy quyền con người. Qua công tác tập huấn, hướng dẫn việc triển khai thực hiện công tác nhân quyền của các báo cáo viên là tiền đề, cơ sở quan trọng để đề ra các chủ trương, biện pháp khắc phục tạo sự chuyển biến rõ nét trong thời gian tới.