Thực hiện tốt chính sách quân đội và hậu phương quân đội

NDO -

NDĐT - Những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu V đã tổ chức thực hiện hiệu quả công tác chính sách (CTCS) đối với quân đội và hậu phương quân đội (HPQĐ), trực tiếp góp phần tăng cường an sinh xã hội và củng cố “thế trận lòng dân”, tạo cơ sở vững chắc xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu (LLVTQK) vững mạnh toàn diện.

Trung tướng Trần Quang Phương (thứ hai từ phải qua) dâng hương, hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. (Ảnh: VIỆT HÙNG)
Trung tướng Trần Quang Phương (thứ hai từ phải qua) dâng hương, hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. (Ảnh: VIỆT HÙNG)

Địa bàn Quân khu V có tỷ lệ hộ nghèo cao, số lượng đối tượng chính sách lớn, đời sống của nhân dân và lực lượng vũ trang vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Từ đặc điểm đó, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng về CTCS đối với quân đội và HPQĐ, cấp ủy các cấp đều xác định rõ trách nhiệm và đưa nội dung CTCS vào nghị quyết của cấp mình; chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, các tổ chức xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, chức trách của từng người.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho bộ đội và nhân dân về vị trí, vai trò, nội dung của chính sách đối với quân đội và HPQĐ, nêu gương điển hình tiên tiến, cách làm hay, sáng tạo của tập thể, cá nhân trong thực hiện công tác này. Các cấp ủy, chỉ huy luôn kết hợp chặt chẽ giữa các mặt công tác: chính sách, tư tưởng, tổ chức và cán bộ.

Đặc biệt, gắn CTCS với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII) về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” và phong trào Thi đua Quyết thắng bằng những tiêu chí cụ thể. Đồng thời, coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chính sách có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực tốt, thực sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

Các chế độ, chính sách về tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, nghỉ dưỡng, chính sách về nhà ở, đất ở, nhà công vụ... cho bộ đội, nhất là lực lượng đặc thù, làm nhiệm vụ ở vùng khó khăn, biên giới, biển đảo luôn được bảo đảm đúng, đủ, kịp thời.

Việc giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phong, thăng quân hàm, nâng lương, bố trí, sử dụng cán bộ; thực hiện bảo hiểm y tế, hưu trí, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng, giám định bệnh tật... được Quân khu triển khai đồng bộ, đúng quy định của pháp luật, phù hợp thực tiễn. Được sự quan tâm của trên, Bộ Tư lệnh Quân khu đã xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị, phát triển kỹ thuật mới, công nghệ hiện đại trong chẩn đoán và điều trị, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội ở các bệnh viện quân y, bệnh xá các đơn vị, v.v...

Quân khu phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng cấp trên, nước bạn Lào, Campuchia và cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; tổ chức tiếp nhận, làm lễ truy điệu, mai táng liệt sĩ đúng nghi thức, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Đã quy tập 2.635 hài cốt liệt sĩ (trong nước 2.104 hài cốt, ngoài nước 531 hài cốt liệt sĩ).

Các đơn vị đã thu thập hơn 20.000 thông tin phục vụ công tác giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị và cung cấp cho thân nhân gia đình liệt sĩ về thông tin liệt sĩ; xác nhận, cấp giấy chứng nhận thương binh, bệnh binh; lập hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ và cấp bằng Tổ quốc ghi công cho gần 7.000 trường hợp.

Tổ chức tốt việc chăm sóc hơn 19.000 cán bộ quân đội nghỉ hưu, trong đó đã khám, điều trị, giám định và trợ cấp cho 350 người mắc bệnh hiểm nghèo. Đồng thời, tham mưu đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí, tổ chức thăm hỏi, gặp mặt tặng quà cho cán bộ quân đội nghỉ hưu theo phân cấp chu đáo, đúng quy định; tổ chức đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho 52.118 quân nhân xuất ngũ; tạo nguồn kinh phí giúp đỡ gia đình quân nhân, CNVCQP, LĐHĐ có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là về nhà ở; hỗ trợ hàng trăm suất học bổng; giải quyết việc làm cho con thương binh nặng, vợ (chồng), con của quân nhân hy sinh, từ trần khi làm nhiệm vụ.

Quân khu đã vận động các cơ quan, doanh nghiệp ngoài quân đội cùng chung tay chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo 473 Mẹ VNAH với số tiền từ 1 triệu đồng trở lên/mẹ/tháng; cấp thẻ học nghề cho hơn 50 nghìn quân nhân xuất ngũ; tuyển dụng và giới thiệu việc làm 109 con liệt sĩ, con thương binh và bệnh binh nặng; tặng 1.724 sổ tiết kiệm tình nghĩa, 842 nhà tình nghĩa, 316 nhà đồng đội; ủng hộ các trung tâm nuôi dưỡng người có công và bảo trợ xã hội, hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin, hội người khuyết tật, hội khuyến học... hàng trăm tỷ đồng.

Việc thực hiện chế độ, chính sách với đối tượng tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào, Campuchia luôn bảo đảm dân chủ, công khai, công bằng, chính xác. Cùng với đó, Quân khu chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách trên địa bàn với số tiền hàng tỷ đồng; tham gia “xóa đói giảm nghèo”, giúp đỡ 487 hộ thoát nghèo; xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ làm được 748,5km đường giao thông nông thôn, 617,5km kênh mương thủy lợi, v.v...

Trong thời gian tới, việc thực hiện chính sách đối với quân đội và HPQĐ có bước phát triển, yêu cầu ngày càng cao. Vì vậy, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu xác định: “Phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, bản chất cách mạng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn Quân khu, phẩm chất truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa CTCS, huy động có hiệu quả mọi nguồn lực để chăm lo tốt hơn nữa chính sách đối với quân đội và HPQĐ. Tập trung giải quyết dứt điểm những tồn đọng, vướng mắc, những phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách đã ban hành.

Cấp ủy, chỉ huy các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức, lực lượng, nhất là với lãnh đạo, chỉ huy và đội ngũ trực tiếp làm CTCS. Với phương châm thường xuyên, liên tục, hướng về cơ sở, phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền gắn với tổ chức thực hiện CTCS phù hợp với chức năng nhiệm vụ đơn vị, đặc điểm địa bàn.

Việc tổ chức thực hiện chế độ, chính sách phải hết sức dân chủ, minh bạch, công khai, công bằng, tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng được hưởng thụ đúng, đủ, kịp thời theo quy định. Tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của các bệnh viện và cơ sở điều trị của Quân khu, chăm sóc tốt sức khỏe cho lực lượng tại ngũ và cán bộ quân đội nghỉ hưu.

Tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng phục vụ công tác an - điều dưỡng cho cán bộ, nhân viên và đối tượng người có công của hai Đoàn an dưỡng 26, 27. Thực hiện chặt chẽ, đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách hiện hành đối với lực lượng tại ngũ, nhất là chế độ tiền lương, phụ cấp, trợ cấp; chế độ, chính sách theo các Nghị định: 116/2010/NĐ-CP và 21/2009/NĐ-CP của Chính phủ; chính sách đặc thù quân sự theo Quyết định 15/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt chế độ an - điều dưỡng, phục hồi sức khỏe; chính sách đất, nhà ở; bảo hiểm y tế theo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo và cung cấp thông tin liệt sĩ, mộ liệt sĩ. Các cấp đẩy mạnh công tác phối hợp, thu thập thông tin phục vụ công tác giải mã phiên hiệu, ký hiệu đơn vị; trả lời thư, đơn, đón tiếp tận tình, chu đáo thân nhân đến tìm thông tin liệt sĩ.

Giải quyết tốt chính sách thương binh, liệt sĩ, từ trần, tai nạn trong thực hiện nhiệm vụ QP, AN, phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn. Tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương phát huy sức mạnh tổng hợp, động viên và kết hợp các nguồn lực trong nhân dân để đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Phấn đấu mỗi năm, Quân khu xây dựng được 50 - 70 nhà tình nghĩa, nhà đồng đội; trao tặng 100 - 150 sổ tiết kiệm tình nghĩa cho đối tượng chính sách, quân nhân tại ngũ có hoàn cảnh đặt biệt khó khăn.

Cấp ủy, chỉ huy các cấp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm và kịp thời đề ra các giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém trong CTCS đối với quân đội và HPQĐ. Chú trọng nâng cao năng lực tham mưu, đề xuất của cơ quan chính sách và năng lực ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện CTCS; củng cố, kiện toàn cơ quan chính sách phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thực hiện CTCS đối với quân đội và HPQĐ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhân dân và LLVTQK. Cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp cần thường xuyên nâng cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác này, góp phần nâng cao đời sống của các đối tượng chính sách, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu của lực LLVTQK trong tình hình mới.

Thực hiện tốt chính sách quân đội và hậu phương quân đội ảnh 1

Bộ Tư lệnh Quân khu V gặp mặt biểu dương thân nhân gia đình chính sách tiêu biểu đang công tác trong LLVTQK. (Ảnh: THANH TÙNG)