Thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội gắn với quốc phòng-an ninh

Phát triển kinh tế-xã hội gắn với tăng cường quốc phòng-an ninh là nhiệm vụ quan trọng trước sự thay đổi nhanh chóng, phức tạp trong giai đoạn hiện nay. Do vậy, phát triển kinh tế-xã hội gắn với tăng cường quốc phòng-an ninh trên địa bàn Đông Nam Bộ theo tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị được các tỉnh, thành phố đặc biệt quan tâm.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng bào các dân tộc trong ngày hội "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" được tổ chức tại xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.
Đồng bào các dân tộc trong ngày hội "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" được tổ chức tại xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định mục tiêu đến năm 2030, Đông Nam Bộ giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục-đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Tiềm lực phát triển kinh tế-xã hội của vùng Đông Nam Bộ rất lớn: có nguồn lao động khá dồi dào; là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, mỗi năm cung cấp hàng chục nghìn lao động có trình độ, chất lượng để gia nhập thị trường lao động, đáp ứng cơ bản nhu cầu nhà tuyển dụng, nhất là nhân lực cho các ngành tự động hóa, khoa học máy tính, công nghệ, kinh tế...

Mặt khác, đây là vùng có hạ tầng phát triển cao so với cả nước, chính điều này đang tạo sự phát triển mạnh về các ngành kinh tế dịch vụ, kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, Đông Nam Bộ được biết đến như là một vùng giáp chắn, phên giậu ở phía nam của Tổ quốc trên cả đất liền và từ hướng biển. Theo Tiến sĩ Hà Văn Tác (Học viện Chính trị khu vực II), muốn phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ bền vững gắn với quốc phòng-an ninh đạt được chiều sâu của chiến lược phòng thủ, nhất thiết phải làm tốt công tác quy hoạch, bảo đảm phát triển một cách chủ động, có hiệu quả kinh tế vùng.

Trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế cần thể hiện được sự gắn bó với quốc phòng-an ninh tại từng địa phương với các bước đi phù hợp; tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là tập hợp được sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, của "thế trận lòng dân".

Bình Phước là tỉnh có đường biên giới (hơn 258,9 km) dài nhất so với các tỉnh có biên giới chung với nước bạn Campuchia, trải dài trên 15 xã của ba huyện. Những năm qua, Bình Phước không ngừng củng cố, tăng cường quốc phòng, xem đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, cả hệ thống chính trị; trong đó, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt.

Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, Bình Phước đã xây dựng khu vực phòng thủ theo phương châm toàn diện, vững chắc. Trong đó, xây dựng về chính trị là cốt lõi, kinh tế-văn hóa-xã hội là trung tâm, quốc phòng-an ninh là trọng yếu; xây dựng cơ sở xã, phường, thị trấn vững mạnh là nền tảng… tạo nên sức mạnh tổng hợp góp phần đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc "từ sớm, từ xa".

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, tính đến hết năm 2022, Bình Phước thu ngân sách đạt hơn 14,1 nghìn tỷ đồng. Tỉnh có 12 trong số 13 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động thu hút được 380 dự án thứ cấp (284 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, 96 dự án có vốn đầu tư trong nước), với tổng vốn đăng ký hơn 17.194 tỷ đồng, hơn 3.478 triệu USD, giải quyết việc làm cho hơn 72 nghìn người trong và ngoài tỉnh.

Qua đó, đã góp phần quan trọng cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế Bình Phước, đáp ứng yêu cầu sản xuất khi có nhiệm vụ mới. Để bảo đảm cho quốc phòng-an ninh, Bình Phước đã quy hoạch tổng thể hệ thống công trình phòng thủ và căn cứ hậu cần, hậu phương.

Bên cạnh đó, hệ thống giao thông, đường tuần tra biên giới, trạm phát sóng, các khu dân cư biên giới, bệnh viện quân, dân y được triển khai theo đúng kế hoạch. Các cấp ủy, chính quyền các cấp ở Bình Phước tăng cường chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động quần chúng tích cực tham gia phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Tiếp tục duy trì và tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị với các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia và các tỉnh nam Lào. Từ đó, mối quan hệ giữa chính quyền, nhân dân hai bên ngày càng được củng cố và phát triển thông qua các hoạt động như: hợp tác, thăm, chúc Tết, giao lưu, kết nghĩa, tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ…

Thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Bình Phước xác định một số giải pháp về tăng cường, củng cố quốc phòng-an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh, làm nòng cốt trong giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ biên giới quốc gia, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong đó, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu, quan điểm bảo vệ Tổ quốc của Đảng và chiến lược quốc phòng, chiến lược bảo vệ biên giới, chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, các nghị định, thông tư về quốc phòng-an ninh, bảo vệ biên giới, xây dựng hoạt động khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự…

Thực hiện tốt quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của tỉnh. Không ngừng tập trung đầu tư xây dựng các tiềm lực quốc phòng-an ninh, khu vực phòng thủ ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển kinh tế-xã hội. Mặt khác, tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân. Qua đó, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an ninh kinh tế, nhất là tại các khu công nghiệp.