Thực hành tiết kiệm và chống lãng phí toàn diện, thực chất

Đoàn giám sát của Quốc hội vừa làm việc với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
0:00 / 0:00
0:00

5 năm qua, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có ý thức nêu cao tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng để thành phố thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng và an sinh xã hội của Thủ đô. Thành phố Hà Nội đã từng bước thực hiện cơ cấu lại các khoản chi ngân sách, thực hiện tiết giảm chi thường xuyên so với dự toán Trung ương giao và trong điều hành ngân sách. Đến nay, tỷ lệ chi thường xuyên của Hà Nội ở khoảng 49-51%.

Thành phố hoàn thành vượt nhiều chỉ tiêu theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Hà Nội đã giảm được 5 ban chỉ đạo trực thuộc Thành ủy quản lý, giảm 74 ban chỉ đạo, 21 ban quản lý dự án, 121 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố và 45 đơn vị chuyên môn thuộc các sở, ngành... Thành phố đã tiết kiệm được 41.460 tỷ 958 triệu đồng trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Công tác chuẩn bị các thủ tục đầu tư còn chậm, một số dự án chậm phê duyệt, chậm tiến độ hoặc đã hoàn thành nhưng chưa đưa vào sử dụng. Tiến độ nâng mức tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố còn chưa bảo đảm lộ trình theo kế hoạch đã đề ra. Việc quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nhất là đất đai còn nhiều bất cập. Đến nay, trên địa bàn thành phố còn 135 dự án được giao đất, cho thuê đất chậm triển khai, để hoang hóa, gây lãng phí lớn và bức xúc trong dư luận.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, ngoài những hạn chế nêu trên, thành phố cần kiểm đếm diện tích đất nông nghiệp chưa sử dụng, có giải pháp khắc phục tình trạng lấn chiếm, sử dụng trái phép đất nông nghiệp; làm sớm công tác quy hoạch đất đai, tính toán để có dư địa cho phát triển, khai thác tối đa nguồn lực đất đai. Thành phố cần báo cáo lại diện tích, số lượng nhà tái định cư chưa sử dụng, diện tích tầng thương mại của khu tái định cư đang bỏ trống và làm rõ vì sao không khai thác được quỹ nhà này.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thời gian tới, thành phố tiếp tục huy động các nguồn lực cho phát triển, chú trọng nâng cao hiệu quả trên ba lĩnh vực: Tài chính, tài sản công; đất đai và các dự án đầu tư công; đẩy mạnh vận hành hệ thống chính quyền, trọng tâm là quản lý đô thị. Cùng với đó là đẩy mạnh việc khắc phục những hạn chế nhằm thực hành tiết kiệm và chống lãng phí hiệu quả và

thực chất.