Chiều 23/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội nghe Báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.
Xác định đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ cấp bách
Trình bày Báo cáo của Chính phủ tại phiên họp, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, trong năm 2021, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành đầy đủ và thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nội dung thuộc chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, qua đó góp phần quan trọng trong công tác huy động, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
Ngay từ đầu năm 2021, Chính phủ xác định đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Lũy kế giải ngân năm 2021 là khoảng 383 nghìn tỷ đồng, đạt 83,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ước thanh toán từ đầu năm đến hết 31/1/2022 là 431 nghìn tỷ đồng, đạt 93,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Các địa phương đã đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, tiến độ sử dụng đất cấp huyện; thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích hơn 20 nghìn ha; khai hoang phục hóa, đưa vào sử dụng gần 11 nghìn ha đất chưa sử dụng. Đồng thời, thu hồi chủ trương đầu tư, thu hồi đất với diện tích 16 nghìn ha, yêu cầu đưa vào sử dụng gần 53 nghìn ha, chấm dứt chủ trương đầu tư 7,7 nghìn ha.
Cũng theo báo cáo, trong năm 2021, ngành Thanh tra cả nước đã triển khai 6.809 cuộc thanh tra hành chính và 177.245 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 179 nghìn tỷ đồng, 9.258 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách 17,8 nghìn tỷ đồng và thu hồi 811 ha đất.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu một số nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2022, gồm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với các hình thức đa dạng; kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Ngoài ra, Chính phủ sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung một số nội dung, lĩnh vực trọng điểm như: Quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản công; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa quản lý; gắn thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Đẩy nhanh lộ trình giảm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh đánh giá 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, là năm có nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, kiểm soát và hạn chế dịch bệnh và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được quan tâm, cụ thể hóa và triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và các kế hoạch 5 năm 2021-2025. Công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước được điều hành linh hoạt, triệt để tiết kiệm, tập trung nguồn lực cho nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả của dịch Covid-19.
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhanh trong những tháng cuối năm thể hiện nỗ lực của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021. Tuy nhiên, bà Chinh cho rằng việc chậm triển khai và phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia gây lãng phí lớn về nguồn lực ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến khả năng giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Trong khi đó, việc lập, triển khai kế hoạch đầu tư công còn nhiều bất cập, hạn chế, với nhiều dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, không đủ điều kiện phân bổ vốn, dẫn đến không đạt mục tiêu đề ra. Tiến độ thực hiện, khả năng hoàn thành một số dự án trọng điểm, công trình quan trọng quốc gia còn chậm, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội.
Nhằm giải quyết các tồn tại, hạn chế do không thực hành tiết kiệm, là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, lãng phí nguồn lực, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ nâng cao năng lực phân tích dự báo, đánh giá đúng tình hình tạo cơ sở vững chắc trong việc lập dự toán ngân sách nhà nước hàng năm; tiếp tục chỉ đạo rà soát các khoản chi, thực hiện triệt để tiết kiệm, đẩy nhanh lộ trình giảm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển. Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án quan trọng quốc gia; kiên quyết điều chuyển vốn của các dự án chậm giải ngân để bổ sung vốn cho những dự án giải ngân tốt, có nhu cầu vốn.
Bà Chinh cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải xử lý nghiêm các hành vi gây thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên; kiên quyết thu hồi đất của các dự án chậm đưa vào sử dụng, đất để hoang hóa, đất sử dụng không đúng mục đích, hàng năm báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện.