Thúc đẩy xu hướng hình thành nền kinh tế số

Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, giá trị đạt được của kinh tế số sẽ chiếm hơn 40% GRDP của toàn thành phố. Mục tiêu này đòi hỏi sự đồng tâm, hiệp lực của cả thành phố, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2022, Hà Nội phấn đấu doanh số thương mại điện tử B2C (giao dịch giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng) chiếm 11% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. (Ảnh TRÍ NHÂN)
Năm 2022, Hà Nội phấn đấu doanh số thương mại điện tử B2C (giao dịch giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng) chiếm 11% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. (Ảnh TRÍ NHÂN)

Chuyển đổi số đang trở thành xu hướng mạnh mẽ trong phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội, thể hiện rõ nét trên nhiều lĩnh vực, trong đó, dễ nhận thấy nhất trong lĩnh vực thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Hà Nội hiện đang xếp thứ hai toàn quốc về chỉ số thương mại điện tử; 78% dân số trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh...

Năm 2022, Hà Nội phấn đấu đạt mục tiêu doanh số thương mại điện tử B2C (giao dịch giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng) chiếm 11% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn. Thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 45%; 65% số giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử. 75% số website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến...

Trên địa bàn Thủ đô, nhiều doanh nghiệp công nghệ đã làm chủ các công nghệ "lõi", phát triển khoảng 40 nền tảng chuyển đổi số. Trong đó có thể kể đến các giải pháp như hệ sinh thái chuyển đổi số cho ngành nông nghiệp của VNPT Hà Nội; mô hình sáng kiến chuyển đổi số hướng tới Hà Nội “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại” của Công ty Công nghệ DTT; giải pháp giao thông thông minh và chuyển đổi số cho doanh nghiệp của Công ty cổ phần Công nghệ Phenikaa Maas…

Chủ tịch Công ty Công nghệ DTT Nguyễn Thế Trung nhận định, để hình thành một nền kinh tế số thì chính quyền cần tạo nền tảng khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ số. Mỗi địa phương cần có những chiến lược, đề án phát triển kinh tế số cho phù hợp và có khả năng thực hiện ngay.

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) Nguyễn Thị Mai Anh cho biết: Trong xu hướng phát triển hiện nay, doanh nghiệp phải xác định cần hướng tới chuyển đổi số để nắm bắt các cơ hội sản xuất, kinh doanh. Thực tế là một số doanh nghiệp đã nhanh nhạy và đạt được thành công trên các nền tảng số...

Trung tâm HPA, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình tập huấn nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số; kỹ năng xúc tiến thương mại điện tử, tiếp cận thị trường, quảng bá giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử quốc tế; phát triển kênh phân phối hiện đại, bán hàng trực tuyến...

"Thông qua các chương trình tập huấn, doanh nghiệp dần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương mại điện tử tại thị trường trong nước và xuất khẩu, ứng dụng các giải pháp công nghệ số để tăng cường hiệu quả sản xuất, kinh doanh" - Phó Giám đốc Nguyễn Thị Mai Anh chia sẻ.

Chương trình chuyển đổi số của thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đã xác định các mục tiêu về phát triển kinh tế số: Đến năm 2030, Hà Nội lọt vào tốp 3 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, công nghệ thông tin…; giá trị đạt được của kinh tế số chiếm hơn 40% GRDP của toàn thành phố...

Các mục tiêu này không dễ dàng, bởi dữ liệu số của thành phố chưa được hoàn thiện và khai thác hiệu quả, thiếu nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế số nói riêng và chuyển đổi số nói chung. Năng lực chuyển đổi số của doanh nghiệp còn yếu; chuyển đổi số trong hầu hết ngành, lĩnh vực còn chậm so với nhu cầu của xã hội...

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ cho biết, thành phố đang xây dựng và hoàn thiện nghị quyết của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Khi nghị quyết được ban hành, thành phố sẽ tổ chức triển khai, phân công nhiệm vụ cùng lộ trình cụ thể để các cấp, các ngành, thực hiện tốt nghị quyết. Trong đó, thành phố sẽ ưu tiên bố trí nguồn lực để phát triển hạ tầng số, các nền tảng số, nghiên cứu, phát triển, làm chủ các công nghệ số cốt lõi, triển khai các giải pháp phục vụ xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.