Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán vừa phối hợp Hội Toán học Việt Nam tổ chức hội thảo đánh giá công tác bồi dưỡng và kết quả thi học sinh giỏi môn Toán quốc gia, quốc tế giai đoạn 2015-2024 nhân kỷ niệm 50 năm Việt Nam tham dự Olympic Toán học quốc tế.
Năm 1974, trong bối cảnh đất nước chưa hoàn toàn giải phóng, theo sáng kiến của một số nhà Toán học, đứng đầu là GS Hoàng Tụy, được sự ủng hộ của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Việt Nam lần đầu cử đoàn học sinh gồm năm em tham dự Olympic Toán học quốc tế dành cho học sinh trung học tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Thời điểm đó, dẫn đoàn là hai nhà giáo Lê Hải Châu và Phan Đức Chính. Ngay trong lần đầu tham dự, các học sinh của Việt Nam đã gây bất ngờ lớn với thành tích xuất sắc khi đoạt một huy chương vàng, một huy chương bạc và hai huy chương đồng.
Kể từ lần đầu tham dự cuộc thi quốc tế đến nay, nhiệm vụ thành lập các đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự Olympic Toán học quốc tế được Chính phủ giao cho Bộ Giáo dục (giai đoạn 1974-1990) và Bộ Giáo dục và Đào tạo (giai đoạn 1990 đến nay), chủ trì tổ chức thực hiện.
Đến nay, Việt Nam có 289 lượt học sinh tham dự Olympic Toán học quốc tế và đoạt được 69 huy chương vàng, 118 huy chương bạc, 84 huy chương đồng, ba Bằng khen.
Học sinh Việt Nam đạt 6 huy chương, bằng khen Olympic Toán quốc tế 2024
Trong 50 năm qua, các đội tuyển Olympic Toán học quốc tế có thành tích tương đối ổn định, được bạn bè các nước đánh giá cao không chỉ về số lượng huy chương mà còn về các thành tích nổi trội đặc biệt.
Điển hình như điểm tuyệt đối 40/40 của học sinh Lê Bá Khánh Trình năm 1979; một số em hai năm liền đoạt huy chương vàng quốc tế như học sinh Vũ Ngọc Minh năm 2001 và 2002…
Năm 2007 ghi nhận một sự kiện đáng chú ý là Việt Nam đã tổ chức thành công kỳ thi Olympic Toán học quốc tế lần thứ 48 với sự tham gia của 93 nước và vùng lãnh thổ. Việc tổ chức đã gây ấn tượng tốt đẹp với cộng đồng quốc tế.
Năm 2024, đội tuyển quốc gia Việt Nam tiếp tục tham dự Olympic Toán quốc tế tại Vương quốc Anh (gồm sáu học sinh) đoạt được hai huy chương bạc, ba huy chương đồng, một Bằng khen.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề thi năm nay có cấu trúc gây thử thách cho các học sinh tham dự, khi xuất hiện hai bài Toán tổ hợp, một bài ở mức độ trung bình và một bài ở mức độ khó.
Đội tuyển Việt Nam tham dự kỳ thi đã nỗ lực, đạt kết quả tốt và được đánh giá cao trong khu vực. Kết quả này tiếp tục khẳng định hướng đi đúng đắn trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng, tập huấn học sinh giỏi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo các chuyên gia giáo dục, Olympic Toán quốc tế là sân chơi trí tuệ, là thước đo để đánh giá năng lực phát triển giáo dục Toán học của một quốc gia. Những cựu học sinh tham dự và đoạt giải đã và đang là những nhà khoa học chuyên nghiệp, có uy tín quốc tế, tích cực đóng góp vào sự phát triển của Toán học. Việt Nam đã bước đầu tìm ra được cách thức tạo nên sự gắn kết giữa các nhà khoa học đang làm việc ở nước ngoài hợp tác với các nhà khoa học trong nước để nghiên cứu, đào tạo thông qua mô hình Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, từ đó lan tỏa khắp cả nước.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, ngành giáo dục tự hào về thành tích Việt Nam đạt được trong 50 năm tham dự Olympic Toán học quốc tế, cũng như phong trào học tập Toán ở trong nước. Việc tổ chức thành công các kỳ thi trong nước và quốc tế ở phổ thông, đại học đã tạo động lực cho học sinh, sinh viên, thầy cô giáo học tập, giảng dạy, thúc đẩy học tập và ứng dụng Toán học trong các lĩnh vực khác nhau và trong cuộc sống. Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn đề cao vai trò môn Toán, từ phổ thông đến đào tạo đại học, sau đại học, trong nghiên cứu.
Hiện nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, Toán học càng trở nên quan trọng. “Với công nghệ hiện nay, một thầy giỏi Toán có thể dạy cho nhiều học sinh, không chỉ trường mình, địa phương mình mà trên toàn quốc. Đóng góp của thầy giỏi vì vậy sẽ rộng hơn. Học sinh không chỉ học từ một thầy giỏi mà có thể học nhiều thầy giỏi, từ đó có được nhiều học sinh giỏi hơn. Như vậy, nền Toán học nước ta đã có sự phát triển bứt phá”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đánh giá.