Phát động từ năm 2019, cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc được triển khai ở vòng sơ khảo và chung kết. Ngay trong năm đầu tiên, gần 540 nghìn học sinh, sinh viên tại 4.379 trường tham gia vòng sơ khảo. Nghệ An, Gia Lai, Hải Phòng, Cần Thơ, Hà Nam, Phú Thọ, Bắc Giang, Đại học Huế, Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2, Học viện Ngân hàng… triển khai cuộc thi sớm, có số lượng bài dự thi nhiều và đạt chất lượng.
Đáng chú ý, cũng ở năm đầu, học sinh khiếm thị Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) đã tích cực tham gia dù gặp khó khăn trong cuộc sống. Với sức lan tỏa mạnh mẽ, năm 2020, đối tượng cuộc thi được mở rộng với sự tham gia của các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Hội Người mù Việt Nam; số lượng lên đến hơn 1 triệu học sinh, sinh viên tham gia. Năm 2022, chỉ trong năm tháng phát động và triển khai, cuộc thi đã thu hút hơn 1,2 triệu học sinh, sinh viên từ gần 7.869 cơ sở giáo dục tham gia.
Được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng giấy khen cho đơn vị tổ chức tốt vòng sơ khảo cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2021, ngay từ năm đầu triển khai, thư viện tỉnh Phú Thọ đã nhận được số lượng bài dự thi đông và chất lượng tốt.
Chỉ trong vòng gần một tháng triển khai, Ban tổ chức đã nhận được 51.532 bài dự thi từ 283 trường học trong tỉnh. Em Mai Minh Ngọc, học sinh lớp 4 Trường tiểu học Cổ Tiết, huyện Tam Nông đoạt giải nhì toàn quốc với ý tưởng khuyến đọc trong việc lan tỏa "Tủ sách dòng họ Mai". Ý tưởng này đã truyền cảm hứng cho cộng đồng và trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng gia đình học tập, xã hội học tập tại địa phương.
Hai năm 2020, 2021, thích ứng với tình hình giãn cách xã hội và phòng chống dịch Covid-19, nhiều em đã xây dựng các video clip dự thi. Cách làm mới này không chỉ giúp các em thể hiện được khả năng thuyết trình song ngữ mà còn thể hiện kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng kỹ xảo đồ họa máy tính...
Tham gia cuộc thi trong bối cảnh khó khăn nhưng năm 2021, Phú Thọ có chín thí sinh đoạt giải vòng chung kết toàn quốc. Em Bạch Hải Hạnh, học sinh lớp 10 Trường THPT Hùng Vương đã xuất sắc đoạt giải Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu toàn quốc khối THPT. Tiếp tục đổi mới, năm 2022, với chủ đề Khát vọng phát triển đất nước, tỉnh Phú Thọ đưa cuộc thi đến với sinh viên các trường đại học, dự bị đại học, cao đẳng.
Cũng năm này, 5 thí sinh của tỉnh được vinh danh tại lễ trao giải Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc toàn quốc. Giám đốc thư viện tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết: Cuộc thi đã góp phần đổi mới tư duy của nhiều nhà trường, nhiều thế hệ giáo viên, học sinh và phụ huynh về tầm quan trọng của sách báo và văn hóa đọc trong đời sống xã hội.
Mỗi địa phương có cách làm riêng để lan tỏa ý nghĩa cuộc thi về sách. Hưởng ứng cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc liên tiếp trong bốn năm từ 2019-2023, tỉnh Nghệ An thu hút số lượng thí sinh tham gia nhiều nhất trong cả nước với thành tích ấn tượng. Quá trình tham gia, Nghệ An đoạt được 12 giải tập thể và 178 giải cá nhân tại vòng sơ khảo cấp tỉnh, 2 giải tập thể, 42 giải cá nhân tại vòng chung kết toàn quốc.
Để lưu giữ những thành tựu và lan tỏa ý nghĩa của cuộc thi, thư viện tỉnh Nghệ An đã tập hợp các bài đoạt giải cao và xuất bản kỷ yếu Đại sứ Văn hóa đọc, phát cho các thư viện huyện, thư viện trường học trên địa bàn tỉnh, vừa làm tài liệu tham khảo vừa truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên.
Ba năm liên tiếp (2019-2021), tỉnh Bắc Giang được công nhận là một trong những đơn vị tổ chức tốt vòng sơ khảo ở địa phương. Cuộc thi đã phát huy sức sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú của học sinh, trở thành sân chơi bổ ích, là diễn đàn để học sinh chia sẻ kinh nghiệm đọc sách hiệu quả.
Em Nguyễn Sơn Long, Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020, giải nhất khối tiểu học vòng chung kết toàn quốc năm 2021 đã có nhiều kế hoạch, cách làm thiết thực như quyên góp, ủng hộ sách; thành lập các câu lạc bộ đọc sách, kênh chia sẻ sách hay. Nhóm "Đọc sách nuôi dưỡng hạnh phúc và trí tuệ" do Nguyễn Sơn Long thành lập trên mạng xã hội facebook đã thu hút gần 1.000 thành viên tham gia tích cực.
Ông Vũ Trí Tĩnh, Giám đốc thư viện tỉnh Bắc Giang vui mừng chia sẻ: Qua cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc, có thể thấy thế hệ trẻ không thờ ơ với văn hóa đọc. Hy vọng cuộc thi sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, trở thành một hoạt động thật sự ý nghĩa, thiết thực. Qua cuộc thi sẽ tìm kiếm những bạn trẻ có niềm đam mê với sách, từ đó, các em sẽ trở thành người truyền cảm hứng đọc sách, lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.
Có thể thấy, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc đã mang đến nhiều ý nghĩa tích cực, không chỉ tạo nên phong trào đọc sách, yêu sách và kết nối tri thức mà còn là hành trình san sẻ yêu thương. Là đơn vị đầu mối triển khai cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc dành cho học sinh, sinh viên khiếm thị trong cả nước, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam Đinh Việt Anh nhìn nhận: Cuộc thi giúp các em khiếm thị được hòa mình vào một sân chơi rộng lớn của học sinh, sinh viên trong cả nước, được giao lưu, học hỏi, nâng cao kiến thức, kỹ năng.
Các em có cơ hội được chia sẻ về những cuốn sách hay, về vai trò của việc đọc và học tập suốt đời, trao đổi kinh nghiệm về phương pháp đọc sách hiệu quả… từ đó, được tiếp thêm ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn, nghịch cảnh.
Trong giai đoạn tiếp theo, ngoài việc hoàn thiện thể lệ, đổi mới hình thức và phương pháp tổ chức, bà Kiều Thuý Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: Cuộc thi Đại sứ văn hoá đọc cần tiếp tục được tổ chức quy mô toàn quốc, trong đó tập trung nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung và cần có những đột phá. Việc mở rộng đối tượng tham gia sẽ góp phần phát triển bền vững phong trào đọc sách rộng rãi trong xã hội.