Ngày 25/11, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) phối hợp Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức khai mạc Vòng chung kết Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” - Startup Kite 2021.
Startup Kite là hoạt động hằng năm của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và tự tạo việc làm cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Qua đó, kích thích óc sáng tạo, tư duy năng động, truyền nguồn cảm hứng kinh doanh; thúc đẩy việc ứng dụng kiến thức, kỹ năng được trang bị trong nhà trường vào cuộc sống; đồng thời kết nối các dự án có tính khả thi cao trong các nhà đầu tư.
Năm 2021, với chủ đề “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thời đại 4.0”, hướng đến các ý tưởng, dự án có hàm lượng cao ứng dụng khoa học công nghệ nhất là công nghệ số trong mọi lĩnh vực nhằm chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi, người khuyết tật trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và trạng thái bình thường mới.
Tại vòng chung kết, 67 đội thi sẽ thuyết phục, thương thuyết với các nhà đầu tư để huy động vốn, đồng thời xử lý các tình huống do Ban giám khảo đưa ra. Các thí sinh, đội thí sinh được vào vòng chung kế đã được tham gia lớp tập huấn, bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng cơ bản về khởi nghiệp.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, mong muốn các em học sinh, sinh viên bằng tình yêu nghề, cần tập trung nghiên cứu, thể hiện đầy đủ tâm huyết và trí tuệ của mình với tinh thần đổi mới sáng tạo, vận dụng tối đa các kiến thức, kỹ năng để đưa ra những sáng kiến, giải pháp giải quyết các vấn đề của xã hội. Những dự án khởi nghiệp tốt của các em không chỉ để tham dự cuộc thi này mà sẽ được triển khai trong thực tiễn đời sống, mang lại giá trị hữu ích cho bản thân, cộng đồng và xã hội.
Nhân cuộc thi này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cũng kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiếp tục gắn kết với hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là quan tâm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Qua đó, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển của đất nước.
Cuộc thi Startup Kite năm nay gồm 5 nhóm tiêu chí. Đó là: Tính mới, sáng tạo; Tính khả thi và cạnh tranh; Tính chuyên môn, ứng dụng khoa học và công nghệ và kỹ thuật, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19; thể thức trình bày, hình thức thuyết trình và phản biện; tính hiệu quả kinh tế-xã hội và ứng dụng thực tế.
Phó Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Lê Bạch Dương cho rằng, để thích ứng với già hóa dân số và đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi, cần áp dụng cách tiếp cận theo vòng đời, bao gồm giải quyết các vấn đề của người cao tuổi hiện tại và sau này gặp phải, thúc đẩy liên kiết giữa các thế hệ trong quá trình chuyển đổi số nhằm bảo đảm toàn xã hội tham gia vào công cuộc tiến tới già hóa khỏe mạnh và năng động.
UNFPA mong muốn hỗ trợ cho thanh niên nhằm khai thác tối đa tiềm năng vừa hỗ trợ các nhóm dân số dễ bị tổn thương, trong đó có người cao tuổi và người khuyết tật, vừa chuẩn bị vững chắc cho tương lai.
Ông Lê Bạch Dương cũng chia sẻ, các bạn trẻ chính là động lực phát triển của mọi quốc gia. UNFPA tin rằng việc khai thác và nắm bắt kịp thời những đổi mới sáng tạo đột phá sẽ giúp khởi tạo một tương lai bền vững hơn.
Vòng chung kết diễn ra trong hai ngày 25 và 26/11/2021, gồm 67 đội dự thi góp mặt từ nhiều lĩnh vực khác nhau, như: nông nghiệp, sản xuất kinh doanh, du lịch, cơ khí - công nghề ứng dụng, kinh doanh thương mại, chế biến thực phẩm, cơ khí chế tạo và tự động hóa... Chương trình lễ trao giải và bế mạc cuộc thi Startup Kite diễn ra vào chiều ngày 26/11, tại Hà Nội.
Được phát động vòng cơ sở từ tháng 6/2021, cuộc thi đã nhận:
- 1.518 ý tưởng, dự án tham dự Vòng sơ tuyển.
- 207 dự án của các em học sinh, sinh viên của 59 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại 33 tỉnh, thành phố được lựa chọn vào Vòng bán kết.
- 67 ý tưởng, dự án được lựa chọn vào Vòng chung kết.Startup Kite đã trở thành một sân chơi chung về sáng tạo khởi nghiệp và thành công với mục tiêu thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề, khởi nghiệp, thúc đẩy các bạn trẻ tin tưởng lựa chọn giáo dục nghề nghiệp, góp phần đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của đất nước với yêu cầu về kỹ năng nghề cao, có khả năng thích ứng với sự thay đổi của khoa học công nghệ, của việc làm.