Thúc đẩy tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ

Bên cạnh chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các ngân hàng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều chương trình, gói vay ưu đãi đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
0:00 / 0:00
0:00
Chương trình, gói vay ưu đãi tại các ngân hàng hỗ trợ kịp thời nhu cầu vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chương trình, gói vay ưu đãi tại các ngân hàng hỗ trợ kịp thời nhu cầu vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh vừa thông tin sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng, nhất là chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ, Ngân hàng Trung ương và của UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trước hết, chính sách cho vay ngắn hạn bằng VND đối với năm nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên; cho vay gói hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ và các chương trình kích cầu của UBND thành phố; cho vay lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn theo Nghị định 51 của Chính phủ và các chương trình tín dụng khác của Ngân hàng Trung ương theo ngành, lĩnh vực.

Theo ông Nguyễn Ðức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, chính sách cho vay ngắn hạn bằng VND với lãi suất ưu đãi đã trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp và tác động tích cực không chỉ đến tăng trưởng, phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mà cả về đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động để đáp ứng yêu cầu chính sách và xu hướng phát triển. Những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận tốc độ tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ duy trì mức tăng khá, tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung hằng năm trên địa bàn. Năm 2022, tín dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố đạt gần 900.000 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2018. Bình quân tăng 26%/năm, trong khi đó tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn bình quân tăng 11%/năm trong 5 năm qua.

Cùng các chính sách của Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố cũng chung tay, đồng hành hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank) là một trong những ngân hàng tiên phong triển khai các chương trình, gói vay ưu đãi cho khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cụ thể, Nam A Bank cho vay hỗ trợ vốn kinh doanh doanh nghiệp vừa và nhỏ đáp ứng nhu cầu bổ sung vốn trong thời gian trung hạn nhưng không phải chịu áp lực trả nợ trong ngắn hạn. Sản phẩm với kỳ hạn vay tối đa 60 tháng với mức cho vay tối đa 5 tỷ đồng/khách hàng, miễn phí trả nợ trước hạn khi thời hạn vay thực tế ≥ 50% thời hạn vay của giấy ghi nợ. Nam A Bank còn triển khai chương trình tài trợ xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đáp ứng nhu cầu bổ sung vốn lưu động với mức tài trợ đến 100% giá trị lô hàng, kỳ hạn vay 12 tháng. Gần đây nhất, Nam A Bank điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với mức giảm 2%/năm so với lãi suất cho vay hiện hành với hạn mức chương trình tối đa 125 triệu USD. Chương trình áp dụng dành cho khách hàng là doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhằm bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu nông sản, thủy sản. Nam A Bank còn cung cấp gói vay với hạn mức 50 triệu USD cho các doanh nghiệp với mục đích xuất nhập khẩu hàng hóa.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) cho biết, dư nợ nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ/dư nợ khách hàng doanh nghiệp tại ngân hàng này hiện chiếm xấp xỉ trên 80%. Thực hiện chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp, ACB đã triển khai các chương trình ưu đãi/khuyến khích cho vay đối với một số lĩnh vực như: Phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện phương án, dự án sản xuất-kinh doanh hàng xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu vay bổ sung vốn lưu động; khách hàng hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ; ứng dụng công nghệ cao các dự án trọng điểm, dự án lớn hiệu quả. Về chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất 2% từ vốn ngân sách theo Nghị định 31 và Thông tư 03, nhờ tăng cường truyền thông, thông tin đến khách hàng, tất cả tỉnh, thành phố có chi nhánh ACB đều đã có khách hàng vay hỗ trợ lãi suất.

Phó Tổng Giám đốc ACB Ngô Tấn Long thông tin: Ðể đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh thị trường hiện nay, ACB vừa triển khai các gói ưu đãi lãi suất vay có quy mô lên đến 20.000 tỷ đồng với mức ưu đãi giảm đến 3% lãi vay so với biểu lãi suất từ cuối tháng 2/2023 đối với khách hàng/khoản vay mới. Bên cạnh đó, ACB còn giảm đến 1%-2% cho khách hàng vay hiện hữu đến kỳ thay đổi lãi suất có giao dịch chính/duy nhất tại ACB. Với mức ưu đãi đặc biệt, ACB muốn hỗ trợ khách hàng tăng cường khả năng tài chính, đẩy mạnh năng lực cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế nhiều thách thức như hiện nay. Riêng đối với doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, ACB còn dành 2.000 tỷ đồng cho chương trình kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp.

Nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) vừa triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp với quy mô lên đến 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD, áp dụng đến hết ngày 30/6/2023. Ðối tượng áp dụng là các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh hiệu quả, có nhu cầu vay ngắn hạn để bổ sung vốn lưu động nhằm triển khai các phương án sản xuất, kinh doanh hoặc doanh nghiệp cần vay vốn hỗ trợ hoạt động xuất khẩu. Chương trình triển khai cho các khoản vay ngắn hạn (dưới 12 tháng) phù hợp với điều kiện tài chính và kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Mức lãi suất ưu đãi thấp hơn lên tới 1,5%/năm với khoản vay giải ngân bằng VND và 1%/năm với khoản vay bằng USD so với mức lãi suất hiện hành, tùy theo từng kỳ hạn cho vay, hồ sơ cụ thể của doanh nghiệp đề nghị vay vốn. Khi tham gia chương trình, các doanh nghiệp không chỉ được hưởng mức lãi suất ưu đãi mà còn được tư vấn sử dụng các dịch vụ ngân hàng nhằm đồng bộ giải pháp tài chính giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn khi tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi, tối ưu các hoạt động thanh toán và giảm chi phí sử dụng dịch vụ ngân hàng…

Ðánh giá cao nỗ lực tăng trưởng tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng ông Nguyễn Ðức Lệnh cho rằng: "Các doanh nghiệp cần không ngừng đổi mới, nhất là đổi mới phương thức quản lý, nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành. Ðây là những yếu tố cần thiết, quan trọng không chỉ giúp doanh nghiệp hoạt động chuyên nghiệp, mà còn là cơ sở để các tổ chức tín dụng thẩm định, xét duyệt, đánh giá và cho vay. Ðồng thời bảo đảm thực hiện tốt các yêu cầu về nhiệm vụ hỗ trợ tiếp cận tín dụng" ■