Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong mùa dịch Covid-19

NDO -

Hiện nay ngành nông nghiệp đang chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch của một số loại nông sản chính ở miền bắc và Nam Trung bộ. Trong khi đó, dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến mới khiến cho hoạt động giao thương chưa thể trở lại bình thường. Trước thực tế đó, ngày 14-5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức "Hội nghị trực tuyến thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19".
 

Nông dân Lục Ngạn (Bắc Giang thu hoạch vải thiều. Ảnh: Báo Bắc Giang.
Nông dân Lục Ngạn (Bắc Giang thu hoạch vải thiều. Ảnh: Báo Bắc Giang.

Nhiều khó khăn vướng mắc

Báo cáo Bộ NN-PTNT cho thấy, từ đầu năm đến nay, mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi hai đợt bùng phát dịch Covid-19 nhưng ngành nông nghiệp vẫn đạt kết quả tốt về sản xuất, tăng trưởng xuất khẩu đạt khá. Theo số liệu thống kê, trong bốn tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,003 tỷ USD, chiếm 23,3% thị phần và tăng trưởng 35,8% so với năm 2020.

Đánh giá về các khó khăn hiện nay, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, có sáu vướng mắc cần giải quyết để nông sản có thể lưu thông thuận lợi trong bối cảnh Covid-19 hiện nay.

Cụ thể là cần hỗ trợ về tài chính, các gói hỗ trợ cần làm sao cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận dễ hơn. Thứ hai là áp lực về thuế và phí, do thương mại gián đoạn nên nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong xuất khẩu, dẫn đến chi phí lưu kho, nhất là kho lạnh tăng cao tạo áp lực về tài chính.

Thứ ba, hệ thống logictics và kho lạnh chưa đáp ứng đủ nhu cầu về khối lượng của các địa phương, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Vướng mắc tiếp theo là tìm cách điều tiết, phân luồng nông sản ở các cửa khẩu, nhất là ở các tỉnh biên giới, đặc biệt là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai.

Vướng mắc thứ năm là thiếu hụt nguyên liệu sản xuất đầu vào. Và cuối cùng là cơ chế vận hành, kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ cần được kết nối chặt chẽ hơn.

Về phía Bộ Công thương, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đánh giá việc tiêu thụ nông sản ở thị trường quốc tế hiện nay vẫn còn một số khó khăn.

Cụ thể là, dù có tiềm năng nhưng nông sản chưa kiểm soát được hàng rào kỹ thuật, đáp ứng được các tiêu chuẩn cho các thị trường, thí dụ như Trung Quốc. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang gặp hạn chế về kỹ thuật ngoại thương, đàm phán, do đó cần các bộ ngành cùng chung tay để giải quyết.

Ngoài ra, trong tổ chức xuất khẩu, đang gặp phải vấn đề về chi phí khi logicstic chiếm đến 15-20% tổng chi phí kinh doanh.

"Muốn thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh Covid hiện nay, chúng ta phải giải quyết được vấn đề này", ông Chinh phân tích.

Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong mùa dịch Covid-19 -0
Hội nghị trực tuyến thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19, ngày 14-5. 

Những giải pháp cấp bách

Đưa ra những giải pháp cấp bách trong thời gian tới, Thứ trưởng NN-PTNT, Trần Thanh Nam cho biết, trước hết ngành nông nghiệp sẽ vừa tập trung sản xuất, vừa bảo đảm phòng chống dịch Covid-19. Về vấn đề tiêu thụ nông sản, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với Bộ Công thương và các địa phương để xây dựng các phương án, kế hoạch phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng cho biết sẽ thành lập các tổ liên Bộ với Bộ Công thương, Bộ Tài chính để giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến sản xuất cũng như cửa khẩu. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT sẽ liên hệ với Bộ Ngoại giao để kết nối thông tin nhu cầu nông sản của mỗi nước thông qua các Đại sứ quán.

Đặc biệt, Bộ sẽ có văn bản gửi đến các địa phương của Trung Quốc có cửa khẩu với Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản trong thời gian tới.

Liên quan vấn đề xuất khẩu nông sản bằng đường bộ, ông Phan Văn Chinh cho rằng, cần xây dựng thêm các khu trung chuyển ở khu vực cửa khẩu. Điều này không chỉ giúp tăng khả năng lưu trữ mà còn là nơi phân loại, cho đối tác sang xem hàng hoặc thực hiện các thủ tục kiểm dịch.

Bắc Giang là địa phương có sản lượng vải hàng đầu cả nước, năm nay được mùa và đang bắt đầu vào thời kỳ thu hoạch. Trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, tỉnh đã đặt ra quyết tâm không có F1 tại các vùng vải thiều lớn và đưa ra một số giải pháp để bảo đảm tiêu thụ thuận lợi.

Thí dụ như, tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến với các đầu cầu ở Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Australia, hợp tác tiêu thụ vải thiều của Bắc Giang với các nước, ngày 26-5 làm lễ xuất vải đi Nhật Bản.

Bên cạnh đó, xây dựng ba kịch bản tình hình Covid-19 từ thấp đến cao để có phương án tiêu thụ vải phù hợp. Ngoài ra, kiến nghị với Thủ tướng về phương án đưa thương nhân Trung Quốc sang, cách ly, kiểm tra chặt chẽ trước khi tham gia mua bán trong mùa thu hoạch.

Từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng của các đợt dịch bệnh Covid-19, song với tinh thần không được phép chủ quan, kịp thời đánh giá, tổng kết những bài học kinh nghiệm để tiếp tục đưa ra các giải pháp hiệu quả trong những bối cảnh mới, nhất là với đặc thù của ngành nông nghiệp với nhiều sản phẩm trọng điểm có tính chất mùa vụ, dễ gặp khó khăn tiêu thụ thời điểm vào mùa vụ thu hoạch khi phải đối mặt với khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo và phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp chủ động, sáng tạo, linh hoạt điều chỉnh sản xuất, phương thức kinh doanh để vừa thúc đẩy tiêu thụ nông sản, vừa bảo đảm phòng tránh dịch bệnh Covid-19 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Đồng thời, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương theo dõi, bám sát tình hình giá cả, lưu thông hàng hóa, kịp thời chỉ đạo triển khai các biện pháp, kế hoạch để vừa đẩy mạnh sản phẩm bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong nước, vừa thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu cả ở thị trường truyền thống và cả thị trường mới, nhiều tiềm năng; trong đó, đặc biệt quan tâm việc xuất khẩu, lưu thông hàng hóa nông sản qua cửa khẩu biên giới Việt - Trung.