Thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Mặc dù từ đầu năm 2022, thành phố Hà Nội đã đề ra nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhưng đến nay, tỷ lệ giải ngân của thành phố đạt thấp. Lãnh đạo thành phố yêu cầu các đơn vị quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng nguồn vốn này.
0:00 / 0:00
0:00
Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đang được các đơn vị khẩn trương thi công. (Ảnh Tuấn Anh)
Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đang được các đơn vị khẩn trương thi công. (Ảnh Tuấn Anh)

Tuyến đường hành lang chân đê hữu Đà, đê hữu Hồng tại huyện Ba Vì được khởi công từ năm 2013, dự kiến hoàn thành trong năm 2015 để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân 14 xã, thị trấn. Thế nhưng, qua nhiều năm chuyển tiếp vốn, điều chỉnh dự án và kéo dài thời gian, đến nay, dự án vẫn chưa hoàn thành.

Riêng năm 2022, dự án được thành phố bố trí 13 tỷ đồng đầu tư, nhưng đã gần hết năm, dự án mới chỉ giải ngân được khoảng 10%. Công tác giải phóng mặt bằng cho dự án vẫn đang gặp khó khi liên quan hơn 100 hộ dân, phân bố tại các xã khác nhau tại huyện Ba Vì. Đây chỉ là một trong số rất nhiều dự án đầu tư công trên địa bàn bị chậm tiến độ.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 28/11, thành phố mới giải ngân được hơn 25.020 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2022, đạt 49% kế hoạch. Trong đó, cấp thành phố là 7.665 tỷ đồng, đạt 35,4% kế hoạch và cấp huyện là 17.376 tỷ đồng, đạt 58,9% kế hoạch. Trong khi đó, mục tiêu của thành phố là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 82,6 đến 90,1% so với kế hoạch đầu năm.

Bên cạnh 13 đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao như: Ban Quản lý dự án Thăng Long (đạt 100%), quận Hoàng Mai (đạt 100%), quận Ba Đình (đạt 97,5%), quận Đống Đa (đạt 81%), huyện Đan Phượng (đạt 77,3%), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông (đạt 65,1%)…, có bốn đơn vị đến nay chưa giải ngân được (tỷ lệ giải ngân là 0%) như: Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Cục Hậu cần - Bộ Công an, Công an thành phố Hà Nội, Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị X03 - Bộ Công an.

Một số đơn vị tỷ lệ giải ngân rất thấp như: Sở Tài nguyên và Môi trường (0,5%); Bảo tàng Hà Nội (6,9%); huyện Sóc Sơn (10,9%); huyện Mỹ Đức (0,7%)… Ngoài ra, vốn đầu tư công của thành phố năm 2021 kéo dài sang năm 2022 cũng mới thực hiện được 1.222 tỷ đồng, đạt 41,3% kế hoạch. "Đến thời điểm này, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố vẫn đạt thấp so mục tiêu đề ra, thậm chí thấp hơn bình quân chung cả nước", lãnh đạo thành phố Hà Nội lo ngại.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Minh Hải cho biết, đầu tư công vẫn là khâu yếu của thành phố trong những năm qua, nhất là năm 2022. Nguyên nhân có nhiều nhưng chủ yếu là do những hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện cũng như vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tại các đơn vị, địa phương.

Trong đó, những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất, giá đền bù cho người dân. Ngoài ra, công tác chuẩn bị thủ tục đầu tư chưa đầy đủ, phát sinh các hạng mục, chi phí, dẫn đến phải điều chỉnh dự án gây kéo dài thời gian…

Từ đầu năm 2022, thành phố đã quyết liệt đôn đốc, đề ra nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố đã tập trung rà soát từng dự án để phân tích tiến độ, các vấn đề phát sinh…

Thành phố yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã cam kết bằng văn bản với thành phố về tỷ lệ giải ngân và chịu trách nhiệm trước thành phố nếu không đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công theo cam kết.

Chỉ còn ít ngày nữa là hết năm 2022, thành phố Hà Nội đang quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội Nguyễn Hà Hải cho biết, xác định việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, cho nên đơn vị sẽ tập trung chỉ đạo chi vốn thuận lợi, kịp thời, đúng chế độ cho các nhà thầu để bảo đảm vốn thi công công trình. Kho bạc Nhà nước thành phố và các kho bạc quận, huyện, thị xã không được để hồ sơ tồn đọng, bảo đảm giải ngân vốn cho tất cả hồ sơ đủ điều kiện thanh toán.

"Khối lượng công việc cũng như số vốn còn phải giải ngân cuối năm rất lớn, Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội đã bố trí cán bộ, công chức làm thêm giờ, bảo đảm thanh toán kịp thời", ông Nguyễn Hà Hải thông tin. Đại diện Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai cho biết, huyện đang tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, quyết toán dự án hoàn thành, giải phóng mặt bằng… đối với từng dự án để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân, đồng thời đôn đốc các đơn vị thi công tăng cường nhân lực, máy móc, làm tăng ca, bảo đảm tiến độ dự án theo kế hoạch.

Tại hội nghị về giải pháp giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 và năm 2021 kéo dài mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm nâng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố. Đây sẽ là tiêu chí để đánh giá tổng kết cuối năm của tập thể và cá nhân người đứng đầu. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.