Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng phổ biến và dần trở thành thói quen của nhiều người tiêu dùng; trong đó, việc kết nối dữ liệu là yếu tố quyết định tạo nên thành công của quá trình thúc đẩy thanh toán số thông minh-không dùng tiền mặt. Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến mục tiêu dẫn đầu cả nước về thanh toán không tiền mặt.
0:00 / 0:00
0:00
Nhân viên ngân hàng hướng dẫn khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt. (Ảnh: CTV)
Nhân viên ngân hàng hướng dẫn khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt. (Ảnh: CTV)

Tăng cường khai thác, kết nối dữ liệu

Tham gia sự kiện “Ngày không tiền mặt 2023” vào ngày 16/6 vừa qua tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đưa ra đánh giá, qua bốn năm triển khai “Ngày không dùng tiền mặt”, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đang càng trở nên phổ biến với mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, từ nhân viên văn phòng, tiểu thương đến những người lao động tự do; từ hoạt động thương mại đến dịch vụ công; từ thành phố đến nông thôn… tạo động lực cho sự phát triển của các dịch vụ thanh toán số thông minh, góp phần đưa Việt Nam tiến nhanh hơn với một xã hội số trong tương lai.

Sau hai năm triển khai Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, chúng ta ấn tượng về những chỉ tiêu, kết quả đã đạt được như: Tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng đã đạt hơn 75%; thanh toán không dùng tiền mặt đạt hơn 7,59 tỷ giao dịch với giá trị đạt gần 219,5 triệu tỷ đồng (tăng 89% về số lượng và 32% về giá trị) cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng thanh toán kênh di động, kênh internet, mã QR tăng trưởng hằng năm đạt trên 100%... nhiều dịch vụ ngân hàng được thực hiện hoàn toàn trên kênh số với quy trình, thủ tục đơn giản, nhanh chóng. Nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng được thiết kế phù hợp cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Đến tháng 4/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an hoàn thành xác thực hơn 25 triệu thông tin tín dụng khách hàng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dữ liệu và việc phân tích, khai thác, kết nối dữ liệu là yếu tố quyết định tạo nên thành công của quá trình thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động chuyển đổi số trong ngành ngân hàng.

Xác định rõ vai trò quan trọng của dữ liệu trong hoạt động ngân hàng cũng như mục tiêu, định hướng của Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán đã và đang tích cực triển khai việc ứng dụng, kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin dữ liệu dân cư trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, nhất là thanh toán và tín dụng nhằm đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trong nền kinh tế.

Mục tiêu dẫn đầu cả nước thanh toán thông minh

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết: Thành phố rất quan tâm đến xu hướng mới như kinh tế số, thanh toán không dùng tiền mặt; luôn có ý thức, có sự chuẩn bị cũng như những giải pháp để tiếp nhận những xu hướng này nhằm tạo thuận lợi nhất cho sự phát triển của thành phố.

Sau khi Thủ tướng ký ban hành Quyết định số 1813, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức triển khai ngay. Đến nay, các cơ quan nhà nước như y tế, giáo dục, bảo hiểm, giao thông đã tiến hành thanh toán không tiền mặt. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tại thành phố đã đạt 30%.

Trong thời gian tới, thành phố sẽ thông qua các Hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cũng như tuyên truyền rộng rãi hơn nữa. Hiện, thành phố đã ban hành chiến lược dữ liệu và thời gian tới sẽ triển khai để làm nền tảng cho thanh toán không tiền mặt, kể cả chính sách khuyến khích không tiền mặt.

Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cũng kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan cần hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động này. “Trong giai đoạn ban đầu hiện nay nên có các quy định bắt buộc để đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt; chẳng hạn, giao dịch từ 10 triệu đồng trở lên buộc phải thanh toán qua ngân hàng.

Như vậy, sẽ đẩy nhanh được thanh toán không tiền mặt. Lãnh đạo thành phố luôn hoan nghênh các sáng kiến nhằm thúc đẩy nhanh thanh toán không tiền mặt. Mục tiêu của thành phố là dẫn đầu cả nước về thanh toán không tiền mặt”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Để phát huy kết quả đạt được về thanh toán không dùng tiền mặt, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị, ngành ngân hàng cùng với các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục quán triệt, thống nhất, tổ chức triển khai tốt một số nhiệm vụ trọng tâm tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; chủ động rà soát, sửa đổi các quy định thuộc thẩm quyền về ứng dụng, chia sẻ dữ liệu trong hoạt động ngân hàng triển khai Đề án 06.

Đồng thời, đẩy nhanh việc nâng cấp, hiện đại hóa các hạ tầng thông tin dùng chung, hạ tầng thanh toán, hạ tầng thông tin tín dụng; các bộ, ngành, cơ quan liên quan đẩy mạnh việc thu thập, xử lý, làm sạch dữ liệu, kết nối các hạ tầng tập trung để cho phép khai thác, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực để khai thác, tổng hợp dữ liệu tạo điều kiện cho chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt thành công hơn nữa trong thời gian tới.