Hiện cả nước có 96 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, trong đó có 85 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học, với 30 dạng thuốc, công suất hơn 300 nghìn tấn/năm.
Sản xuất còn non trẻ
Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt cho biết, mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận song việc sản xuất thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam còn khá non trẻ và chỉ phát triển mạnh trong thời gian gần đây, đặc biệt là sau khi Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật ra đời và có hiệu lực năm 2015.
Việc sản xuất thuốc bảo vệ thực vật còn một số khó khăn, thách thức nhất định như chưa chủ động sản xuất được hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật; quy mô công suất hầu hết ở mức thấp; cơ sở sản xuất phân bố không đồng đều trong nước làm gia tăng chi phí vận chuyển; tỷ trọng sản xuất các dạng thuốc, dung môi yêu cầu kỹ thuật đơn giản; chưa có cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học chuyên hoá và quy mô lớn…
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt phát biểu tại hội nghị. |
Nói rõ thêm về điều này, Trưởng phòng Thuốc Bảo vệ thực vật (Cục Bảo vệ thực vật) Bùi Thanh Hương cho biết, nhiều công ty sản xuất thuốc bảo vệ thực vật ở nước ta chưa chủ động được nguồn nguyên liệu hoạt chất, phụ gia. Nghiên cứu, chuyển giao, thử nghiệm, áp dụng khoa học công nghệ chưa bài bản, chưa làm chủ được công nghệ. Dây chuyền, thiết bị sản xuất còn thủ công, bán tự động, chưa có nhiều nhà máy có dây chuyền tự động hóa hoàn toàn. Kết nối, chuyển giao các kỹ thuật, công nghệ sản xuất còn hạn chế. Dây chuyền, thiết bị sản xuất còn thủ công, bán tự động, chưa có nhiều nhà máy có dây chuyền tự động hóa hoàn toàn. Kết nối, chuyển giao các kỹ thuật, công nghệ sản còn hạn chế.
Trong 96 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, cả nước chỉ có một cơ sở sản xuất có sản xuất hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật hoá học là Fenobucarb, với công suất khoảng 50 tấn/năm và chỉ được dùng cho tiêu thụ nội địa, không xuất khẩu. Các cơ sở còn lại chủ yếu gia công.
Theo Chủ tịch Hội các doanh nghiệp Sản xuất và Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam Nguyễn Văn Sơn, bình quân mỗi năm lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu về Việt Nam khoảng 100.000 tấn (gồm cả thuốc kỹ thuật và dạng thuốc thành phẩm). Trong đó, lượng thuốc tiêu dùng trong nước chiếm 50%; Lượng bảo quản và lưu thông trên thị trường khoảng 10%; Lượng thuốc bảo vệ thực vật xuất khẩu chiếm 40%.
Như vậy, hằng năm nước ta phải nhập một lượng thành phẩm đáng kể để gia công tiêu dùng trong nước. Việc phát triển công nghệ gia công thuốc bảo vệ thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam có vai trò rất quan trọng, cho phép chúng ta chủ động nguồn cung ứng thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, nhìn tổng thể công tác gia công thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất, trình độ sản xuất giữa các nhà máy còn chưa đồng đều. Cán bộ kỹ thuật các nhà máy chủ yếu được đào tạo về lĩnh vực hóa chất, thiếu đào tạo chuyên sâu về gia công thuốc bảo vệ thực vật. Một số quy trình gia công thuốc thành phẩm chưa được cải tiến. Hệ quả, chất lượng thành phẩm của các cơ sở không đồng đều, chất lượng thuốc chưa thật sự bảo đảm.
Bên cạnh phải nhập khẩu, hiện nước ta còn thiếu các xí nghiệp sản xuất các chất trung gian, cho nên phải nhập khẩu hầu hết các loại phụ gia, thiếu các loại phụ gia thân thiện với môi trường. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu chủ động nguồn cung ứng vật tư. Nhiều nhà máy thiếu trang thiết bị hiện đại đồng bộ trong gia công. Số doanh nghiệp có tiềm lực về trang thiết bị gia công các tiên tiến ở quy mô công nghiệp còn ít.
Công nghệ gia công và sử dụng phụ gia trong sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học đóng vai trò rất quan trọng giúp nâng cao hiệu lực, kéo dài thời gian bảo quản, có hiệu lực và giảm giá thành thương phẩm. Tuy nhiên, việc nghiên cứu công nghệ gia công, sử dụng phụ gia sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học còn nhiều hạn chế. Việc gắn kết giữa các cơ quan nghiên cứu với các doanh nghiệp nghiên cứu gia công thuốc bảo vệ thực vật còn thiếu.
Làm chủ công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng gia công
Chủ tịch Hiệp hội CropLife Việt Nam Đặng Văn Bảo cho biết, khi tiến hành khảo sát năm tập đoàn về thuốc bảo vệ thực vật hàng đầu thế giới-cũng là những thành viên của CropLife, chúng tôi thấy rằng, để đưa một hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật ra thị trường cần trung bình 301 triệu USD và mất 12,3 năm. Con số này đều đã tăng lên đáng kể so với giai đoạn khảo sát trước đó. Nếu xét riêng về chi phí thì chi phí hiện tại đã tăng 25 lần so với mức đầu tư của 20 năm trước.
Đa số các công ty hiện nay phải nhập hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật từ Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc. Khi Việt Nam chủ động được việc sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sẽ tạo ra được sự chủ động, bớt lệ thuộc vào các quốc gia, giá thuốc bảo vệ thực vật sẽ thấp hơn, người nông dân được hưởng lợi nhiều hơn. Để có thể thiết lập việc tự cung, tự cấp hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật trong tương lai, cùng với việc đưa ra quy trình nghiêm ngặt, cơ sở hạ tầng, thiết bị sản xuất có vai trò rất quan trọng, do vậy, phải có sự đầu tư bài bản.
Ông Nguyễn Văn Sơn cho rằng, để thúc đẩy phát triển thuốc bảo vệ thực vật, cơ quan chức năng cần tiến hành điều tra, đánh giá thực trạng sản xuất và gia công thuốc bảo vệ thực vật hiện nay, từ đó xây dựng chiến lược phát triển phù hợp. Phải có các dự án nghiên cứu về thị trường và hiện trạng sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật sinh học tại để làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách cũng như đầu tư sản xuất kinh doanh trong nước.
Về phía doanh nghiệp, phải đẩy mạnh đổi mới công nghệ. Tự tăng cường nội lực, đẩy mạnh tự nghiên cứu, cải tiến gia công. Chủ động đầu tư trang thiết bị mới hiện đại phù hợp với các loại gia công như thiết bị gia công, thiết bị đánh giá chất lượng thành phẩm sau gia công. Tập trung phát triển các dạng sản phẩm mới có nhiều ưu điểm, chọn phụ gia, nhất là các phụ gia thân thiện môi trường. Cải tiến kỹ thuật và công nghệ, cải tiến quy trình.
Các doanh nghiệp kiến nghị, Nhà nước cần xây dựng quy hoạch ưu tiên phát triển nguồn nhân lực đủ mạnh để thực hiện nghiên cứu công nghệ gia công thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, nên dành kinh phí cử cán bộ đi đào tạo, hoặc hỗ trợ (trường hợp là nhân sự thuộc các tổ chức, doanh nghiệp ngoài Nhà nước) tại các cơ sở có uy tín, có kinh nghiệm, thương hiệu về lĩnh vực gia công thuốc bảo vệ thực vật trong và ngoài nước.
Trước mắt, hỗ trợ kinh phí cho một số doanh nghiệp có công nghệ gia công tiên tiến để tập trung sản xuất và gia công trên quy mô lớn nhằm hạ giá thành sản phẩm. Cần khuyến khích các doanh nghiệp phối hợp với các Viện nghiên cứu, các trường đại học, trung tâm nghiên cứu đầu tư, tổ chức nghiên cứu công nghệ gia công các dạng hiện đại an toàn cho sức khỏe con người và thân thiện với môi trường.