Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Luật Tiếp công dân

NDO -

NDĐT - Ngày 25-11, Quốc hội đã biểu quyết, thông qua hai văn bản quan trọng: Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật và Luật Tiếp công dân.

Nhân viên Công ty Giống cây trồng công nghệ cao Việt Nam tại Phú Thọ. (Ảnh: Trần Hải)
Nhân viên Công ty Giống cây trồng công nghệ cao Việt Nam tại Phú Thọ. (Ảnh: Trần Hải)

Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật (Luật BV và KDTV) gồm năm chương, 77 điều, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, quy định về hoạt động phòng, chống sinh vật gây hại thực vật; kiểm dịch thực vật; quản lý thuốc bảo vệ thực vật.

Theo luật này, Nhà nước có chính sách đầu tư phát triển nguồn nhân lực; xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất - kỹ thuật cho cơ quan bảo vệ và kiểm dịch thực vật; xây dựng và phát triển hệ thống thông tin, dự báo và cảnh báo sinh vật gây hại; nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo ra thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc bảo vệ thực vật ít độc hại, giống cây trồng chống chịu sinh vật gây hại và các biện pháp quản lý sinh vật gây hại theo hướng bền vững trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Nhà nước cũng hỗ trợ xây dựng các vùng không nhiễm sinh vật gây hại; xây dựng và phát triển các loại hình tổ chức dịch vụ bảo vệ thực vật gắn với dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp theo hướng chuyên nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn; chống dịch, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất sau khi dịch hại xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại lớn.

Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật trong phạm vi cả nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Có tám hành vi bị cấm trong luật. Trong đó, đáng chú ý như: sử dụng biện pháp bảo vệ và kiểm dịch thực vật trái quy định của luật này; không áp dụng hoặc cố ý áp dụng không đúng các biện pháp chống dịch; nhập khẩu, sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thực vật bị nhiễm sinh vật gây hại hoặc sử dụng giống cây bị nhiễm sinh vật gây hại; phát tán sinh vật gây hại; đưa đất, nhập khẩu, nhân nuôi sinh vật gây hại vào Việt Nam; sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam; thuốc bảo vệ thực vật giả, không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng...

Với quy định cấm đưa đất vào Việt Nam (khoản 5 Điều 13), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giải trình, thực tiễn hoạt động kiểm dịch cho thấy, đất là vật thể có nguy cơ mang sinh vật gây hại cao, việc kiểm dịch và xử lý đối với đất phức tạp, đòi hỏi phải có máy móc, thiết bị có độ chính xác cao... Đối với nước ta, có đường biên giới dài, lượng hàng hóa thực vật trao đổi qua cửa khẩu chính thức lẫn đường mòn biên giới là rất lớn, vì thế việc kiểm soát thực vật mang theo đất là rất khó khăn. Nhưng để bảo vệ sản xuất nông nghiệp trong nước, chúng ta đã có nhiều cố gắng trong công tác kiểm dịch thực vật (KDTV), không cho phép các sản phẩm thực vật mang theo đất nhập vào. Vì vậy, quy định cấm đưa đất vào Việt Nam, trừ trường hợp được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (như dùng để nghiên cứu khoa học, quà tặng mang tính chất ngoại giao….) là hợp lý.

Theo UBTVQH, việc công bố dịch được xác định trên cơ sở đánh giá nguy cơ bùng phát sinh vật gây hại và mức độ thiệt hại do sinh vật gây hại gây ra. Trên thực tế, mỗi loại thực vật có các loại dịch bệnh khác nhau, tính chất gây hại của sinh vật gây hại cũng khác nhau (có loại mật độ lớn mới gây hại, có loại mật độ ít nhưng rất nguy hiểm). Do vậy, việc đánh giá, xác định nguy cơ gây hại thực vật rất đa dạng, phức tạp và công việc này được giao cho cơ quan chuyên ngành BV và KDTV thực hiện trong văn bản dưới luật.

Việc công bố dịch hại thực vật trong các trường hợp: khi sinh vật gây hại thực vật bùng phát, có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng, gây thiệt hại nghiêm trọng đối với thực vật; khi phát hiện sinh vật gây hại lạ, đối tượng phải kiểm soát có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng đối với thực vật; khi phát hiện đối tượng kiểm dịch thực vật xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam, có nguy cơ lây lan.

Thẩm quyền công bố dịch hại thực vật được quy định cho Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ đề xuất của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở địa phương và trung ương.

Cũng trong chiều ngày 25-11, các đại biểu Quốc hội đã nhất trí thông qua Luật Tiếp công dân với tỷ lệ 84,14%. Luật gồm chín chương, 36 điều, dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2014.