Sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học

Trong sản xuất nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là một trong những vật tư quan trọng góp phần bảo vệ, nâng cao năng suất cây trồng, quyết định giá trị và chất lượng nông sản. Tuy nhiên, việc lạm dụng, sử dụng thuốc BVTV không đúng cách sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe con người, môi trường cũng như chất lượng nông sản.
0:00 / 0:00
0:00
Kỹ sư của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời trình diễn phun thuốc bảo vệ thực vật trên ruộng lúa bằng thiết bị bay không người lái. (Ảnh CÔNG MẠO)
Kỹ sư của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời trình diễn phun thuốc bảo vệ thực vật trên ruộng lúa bằng thiết bị bay không người lái. (Ảnh CÔNG MẠO)

Trước thực trạng đó, thuốc BVTV sinh học được xem là giải pháp thay thế tối ưu. Ðây cũng là xu thế khách quan, tất yếu, hiện thực hóa chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững của Việt Nam.

Bài 1: Thời của thuốc bảo vệ thực vật sinh học

Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế. Cùng với phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học là yếu tố nền tảng của ngành trồng trọt, là chìa khóa mở ra nền sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững.

Thuốc BVTV sinh học an toàn và ít độc hại đối với sức khỏe con người, sinh vật có ích và môi trường, nhanh phân hủy trong tự nhiên, thời gian cách ly ngắn, ít để lại dư lượng trong nông sản.

Những cánh đồng tiên phong

Gia đình ông Nguyễn Phát Ðạt, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Ðỏ, thành phố Cần Thơ sản xuất lúa theo mô hình “sức mạnh sinh học” từ khoảng 10 năm nay. Ông Ðạt cho biết, mỗi vụ, nhà ông canh tác khoảng 20 ha lúa. Canh tác theo phương thức này, họ không đợi có bệnh mới trị mà chủ động “chích ngừa” phòng bệnh trước cho cây. Cả vụ chỉ cần phun từ 4 đến 5 cữ thuốc BVTV sinh học. Phun thuốc phòng lần đầu khi cây lúa cấy dặm được 25 ngày, 20-25 ngày sau phun lần 2. Lần 3, 4 là lúc trước trổ và sau khi cây lúa trổ đều.

Suốt cả vụ cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, hầu như không có sâu bệnh, cho năng suất cao. Trong khi đó, với cách làm truyền thống, nông dân đợi cây có bệnh mới phun thuốc BVTV hóa học để trị, đề kháng của cây yếu cho nên thường xuyên bị bệnh, số lần phun thuốc khá nhiều, có khi cách 10 ngày phải phun một lần. Giá thuốc BVTV sinh học cao nhưng vì số lần phun ít, so với thuốc BVTV hóa học, chi phí sử dụng thuốc BVTV sinh học chỉ tương đương.

Theo ông Ðạt, canh tác theo “sức mạnh sinh học”, người dân phải kiên trì, thuốc BVTV sinh học không đem lại hiệu quả tức thì như thuốc hóa học nhưng có tính bền vững. Mùa vụ đầu tiên chưa có kết quả như mong đợi nhưng ở những vụ sau cây phát triển tốt dần lên, ít sâu bệnh, năng suất lợi nhuận tăng lên, hiệu quả sẽ thể hiện rõ rệt. Quan trọng nhất, các sản phẩm thuốc BVTV sinh học thân thiện, không phát thải dư lượng thuốc ra môi trường, an toàn cho người sản xuất và sử dụng nông sản.

Cánh đồng nhà ông Ðạt là một trong hàng nghìn những cánh đồng sử dụng “sức mạnh sinh học” do Công ty TNHH Thương mại Tân Thành khởi xướng. Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Tân Thành Nguyễn Xuân Khoa cho biết, từ năm 2010, nhận thấy sự cần thiết của các sản phẩm sinh học tạo ra nông sản an toàn, giá trị cao, Công ty TNHH Thương mại Tân Thành đã bắt đầu phát triển quy trình “sức mạnh sinh học” trên cây lúa và giới thiệu đến nhà nông tại khắp các tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Ðông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Sau nhiều năm triển khai, đến nay, mỗi mùa vụ có hơn 4.000 nông dân tham gia áp dụng quy trình “sức mạnh sinh học” với diện tích thực hiện mỗi vụ hơn 22.000 ha. Với tên gọi “sức mạnh sinh học”, mô hình áp dụng các sản phẩm thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học để giúp phát huy cao nhất sức mạnh nội tại cây trồng, tăng cường khả năng đề kháng tự nhiên cho cây, tối ưu năng suất và chất lượng nông sản.

Quy trình “sức mạnh sinh học” của Tân Thành sử dụng các sản phẩm thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học như: Plastimula 1SL, Chubeca 1.8SL, Lacasoto 4SP...

Cũng theo ông Khoa, các sản phẩm sinh học có nhiều đặc tính nổi trội. Vì được chiết xuất từ thiên nhiên cho nên sản phẩm an toàn với người sản xuất cũng như người tiêu dùng sản phẩm và thân thiện với môi trường. Ghi nhận từ thực tế, các mô hình áp dụng quy trình canh tác theo “sức mạnh sinh học” cho năng suất, sản lượng cao, tiết kiệm chi phí đầu vào so với cách canh tác truyền thống. Ðặc biệt, nông sản canh tác theo quy trình sinh học được đánh giá an toàn, có tính cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

GS, TS Nguyễn Văn Sánh-nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long cho biết, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, lúa chất lượng cao là xu thế tất yếu hiện nay. Ðể góp phần thực hiện các mục tiêu, việc giảm thuốc BVTV hóa học, tăng tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV sinh học là nhiệm vụ cấp bách. Những cánh đồng sử dụng “sức mạnh sinh học” sẽ góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chính phủ, của ngành nông nghiệp đã đề ra.

Nền tảng nâng cao chất lượng, giá trị nông sản

Cục Bảo vệ thực vật cho biết, cùng với cây lúa, thời gian qua Cục đã phối hợp các doanh nghiệp xây dựng nhiều mô hình sử dụng thuốc BVTV sinh học trên các loại rau, quả chủ lực. Trong đó, phải kể đến mô hình sử dụng thuốc sinh học Takare 2EC phòng trừ nhện đỏ và Bonny 4SL phòng trừ bệnh loét trên cam sành tại tỉnh Vĩnh Long. Bước đầu, mô hình cho kết quả tốt, đạt hiệu quả kinh tế cao, tăng 30% tổng sản lượng cam thương phẩm so với cách làm trước đây.

Hay mô hình “sử dụng thuốc trừ bệnh hữu cơ sinh học Amtech 100 EW trên cây thanh long, cây vải và cây xoài” với tổng diện tích 15 ha tại các tỉnh Long An, Hải Dương, Bắc Giang và Sơn La. Cụ thể, tại xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, cơ quan chức năng hướng dẫn người dân sử dụng thuốc hữu cơ sinh học Amtech 100 EW (dịch chiết từ vỏ lụa hạt điều) để điều trị bệnh trên cây thanh long ruột đỏ.

Theo chủ vườn, vào giai đoạn thanh long rút râu, khi cây bị sâu bệnh nhà vườn đã dùng thuốc Amtech 100EW trị bệnh cho cây. Mặc dù hiệu quả trừ bệnh hại của thuốc thấp hơn so với việc sử dụng thuốc hóa học nhưng năng suất của vườn cây vẫn ổn định và quan trọng nhất là chất lượng bảo đảm. Hầu hết sản lượng thanh long của vườn phục vụ cho xuất khẩu, các lô hàng đều bảo đảm chất lượng, không để lại dư lượng thuốc BVTV.

Qua tám năm nghiên cứu, công ty đã phát minh ra thuốc trừ bệnh hữu cơ sinh học Amtech 100EW thế hệ mới nhất với hoạt chất Anacardic được chiết xuất từ tinh dầu vỏ hạt điều. Ðây là nguồn nguyên liệu tự nhiên có sẵn trong nước và đã được cấp bằng sáng chế độc quyền 20 năm.

Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm Công ty cổ phần Nông nghiệp HP, Trương Thành Tâm

Sản phẩm được sản xuất từ cuối năm 2019, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép đăng ký trên nhiều loại cây trồng có giá trị xuất khẩu cao đòi hỏi dư lượng tồn dư trong nông sản thấp như: Bắp cải, cải thảo, cà tím, dưa leo, cà chua, dâu tây, chè… Trong những năm qua, việc sử dụng thuốc BVTV sinh học của nông dân có sự tăng lên đáng kể, đặc biệt đối với những cây trồng chủ lực như các loại cây ăn quả, rau màu. Ðối với sản phẩm thuốc trừ bệnh hữu cơ sinh học Amtech 100EW, trong ba năm gần đây, lượng tiêu thụ của nông dân tăng từ 30 đến 50%.

Ngoài các mô hình nêu trên, ở các địa phương hiện nay cũng đang xây dựng nhiều mô hình sản xuất cây ăn quả, rau màu sử dụng thuốc BVTV sinh học. Chẳng hạn như mô hình sử dụng thuốc BVTV sinh học Manecer 200WP phòng trừ tuyến trùng gây hại cây thanh long với diện tích 0,5 ha tại ấp Long Thạnh, xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang). Kết quả bước đầu cho thấy, thuốc kiểm soát tốt tuyến trùng, tối ưu năng suất, chất lượng và lợi nhuận cao hơn vụ trước khoảng 20%.

Hay mô hình quản lý sâu đục cuống quả vải và dư lượng bằng thuốc BVTV sinh học Proclaim 5WG với diện tích 0,2 ha tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Kết quả hiệu lực phòng trừ sâu đục quả vải khá cao, đạt hơn 83%, không có sự khác biệt lớn so với việc sử dụng thuốc hóa học, bảo đảm yêu cầu về dư lượng thuốc BVTV trên quả vải phục vụ cho việc xuất khẩu sang một số nước như: Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu.

Nhìn vào những con số nêu trên có thể thấy, mặc dù diện tích thực hiện các mô hình sử dụng thuốc BVTV sinh học trên cây ăn quả, rau màu chưa nhiều nhưng đây là những tiền đề quan trọng để xây dựng những cánh đồng rau màu, những vựa trái cây chủ lực, chất lượng cao về sau.

(Còn nữa)

Cục trưởng Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Ðạt cho biết, nhằm thay đổi nhận thức của người nông dân chuyển dần từ sử dụng thuốc BVTV hóa học sang các loại thuốc BVTV sinh học, Cục Bảo vệ thực vật cùng cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, tổ chức quốc tế và nhiều địa phương đã khởi động một “chiến dịch” quy mô lớn, rộng khắp cả nước. Cục đã phối hợp với 14 doanh nghiệp thuốc BVTV và Hiệp hội CropLife Việt Nam ký cam kết phối hợp thực hiện chương trình “Hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả; phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học giai đoạn 2021-2025”.

Thói quen sử dụng thuốc BVTV trong phòng trừ dịch hại của người dân đã giảm dần qua các năm. Các tỉnh vùng Ðông Nam Bộ là khu vực sử dụng thuốc BVTV sinh học cao nhất nước, trung bình 1,49 kg/ha. Ðứng thứ hai là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long 0,79 kg/ha. Tiếp đến là các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, đồng bằng sông Hồng, trung du và miền núi phía bắc, duyên hải Nam Trung Bộ.