Thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc

Đến hết năm 2023, tỉnh Vĩnh Phúc đã cơ bản đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
0:00 / 0:00
0:00
Bà Âu Thị Kim Phượng giới thiệu quy trình sản xuất rượu ba kích tại xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo.
Bà Âu Thị Kim Phượng giới thiệu quy trình sản xuất rượu ba kích tại xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo.

Toàn bộ 11 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (xã DTMN) tỉnh Vĩnh Phúc đang thay da đổi thịt, kinh tế phát triển ngày càng đa dạng, vững chắc, nhiều mô hình kinh tế được hỗ trợ từ chính sách dân tộc và miền núi đang phát huy hiệu quả.

Những năm gần đây, các chương trình, chính sách, dự án phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số được lồng ghép vào các chương trình, đề án phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc như: Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công do nhiều sở, ngành phụ trách.

Tỉnh Vĩnh Phúc đang triển khai một số chính sách đặc thù hỗ trợ người dân các xã DTMN phát triển kinh tế, đáng chú ý là hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gồm: hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi gia súc theo chuỗi giá trị; hỗ trợ mô hình trồng cây ăn quả, trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap.

Các sở, ngành và các huyện, thành phố tích cực hỗ trợ các xã DTMN thực hiện quy trình xét, công nhận sản phẩm OCOP. Năm 2023, các xã DTMN có 8 sản phẩm đạt chất lượng OCOP từ 3 sao trở lên, nâng tổng sản phẩm OCOP vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lên 22 sản phẩm.

Các xã DTMN ngày càng có nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như: mô hình trồng nho hạt đen của gia đình anh Lưu Văn Hải, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên; trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm của gia đình anh Hoàng Văn Lâm, dân tộc Sán Dìu, xã Yên Dương, huyện Tam Đảo.

Về trồng trọt có mô hình trồng cây ba kích dược liệu của gia đình anh Kiều Văn Tiến, thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo; mô hình trồng rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGap của Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Lải, xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên.

Một số mô hình được hỗ trợ vay vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội với mức vay tối đa 100 triệu đồng/hộ. Bà Âu Thị Kim Phượng, người dân tộc Nùng ở xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo đã đầu tư hàng chục tỷ đồng mua dây chuyền hiện đại để sản xuất rượu ba kích.

Trong đó, các sản phẩm rượu đông trùng hạ thảo với ba kích Tam Đảo, rượu ba kích Tam Đảo, rượu ba kích sâm cau Tam Đảo của Công ty cổ phần chế biến nông sản Minh Phúc An do chị Phượng làm Giám đốc được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 4 sao, trở thành sản phẩm quà tặng độc đáo của tỉnh Vĩnh Phúc.

Thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc ảnh 1

Cơ sở sản xuất dược liệu của ông Ngô Đình Tuấn tại xã Minh Quang, huyện Tam Đảo.

Bà Phượng tâm sự: "Ban đầu khởi nghiệp rất khó khăn, song nhờ chính quyền địa phương tạo điều kiện về đất sản xuất, hỗ trợ kinh phí đổi mới công nghệ, hỗ trợ xây dựng thương hiệu. Đến nay, Công ty cổ phần chế biến nông sản Minh Phúc An đã đứng vững trên thị trường".

Người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 4,8% dân số tỉnh Vĩnh Phúc. Ba dân tộc thiểu số chính là dân tộc Sán Dìu, dân tộc Cao Lan và dân tộc Dao, chủ yếu sinh sống tại 11 xã thuộc các huyện Tam Đảo, Bình Xuyên, Sông Lô, Lập Thạch và thị xã Phúc Yên. Trong đó có 7 xã thuộc huyện Tam Đảo.

Ông Hoàng Anh, Phó trưởng phụ trách Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Qua rà soát các nhiệm vụ, dự án, hầu hết các nội dung đều cơ bản thực hiện theo các cơ chế, chính sách hiện hành của tỉnh. Riêng đối với nội dung vay vốn tín dụng ưu đãi, Ban Dân tộc đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tham mưu tỉnh bổ sung đối tượng được vay vốn. Thực tế là nhiều hộ dân đã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này.

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người các xã DTMN tăng hơn 1,2 lần so với năm 2020. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt khoảng 56,7 triệu đồng, so với năm 2020 là 44,5 triệu đồng; đạt và vượt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, đến cuối 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,08%.

Từ năm 2021, tỉnh đã hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông. Hiện nay tỉnh đang triển khai xây dựng 2 mô hình làng văn hóa dân tộc thiểu số gắn với phát triển các điểm du lịch cộng đồng, tạo sinh kế cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc ảnh 2
Các sản phẩm đặc trưng của bà con dân tộc thiểu số được bày bán tại thị trấn Tam Đảo.

Bên cạnh đó, một bộ phận người dân các xã DTMN còn thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sạch. Năm 2022 và 2023 tỉnh Vĩnh Phúc có 3 mô hình đủ điều kiện hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gồm 2 mô hình trồng cây ăn quả và 1 mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Tuy nhiên đến nay các mô hình này chưa được hỗ trợ kinh phí do vướng mắc trong quy định pháp luật.

Ông Trần Văn Quý, Bí thư Đảng ủy xã Minh Quang, huyện Tam Đảo đề xuất: Các sở, ngành cần hướng dẫn cụ thể về điều kiện, hồ sơ, trình tự triển khai hỗ trợ mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị như mô hình chăn nuôi, trồng trọt, trồng cây dược liệu, sản phẩm OCOP để người dân biết cách làm.

Có thể khẳng định, các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Trung ương và tỉnh Vĩnh Phúc đang phát huy hiệu quả rõ nét, thiết thực cải thiện đời sống của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.