Thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã khu vực Duyên hải miền trung

NDO -

Ngày 12-1, tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định tổ chức Hội thảo "Phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã khu vực Duyên hải miền trung: Tiềm năng, thách thức và giải pháp"

Quang cảnh Hội thảo Phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã khu vực Duyên hải miền trung: Tiềm năng, thách thức và giải pháp.
Quang cảnh Hội thảo Phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã khu vực Duyên hải miền trung: Tiềm năng, thách thức và giải pháp.

Tham dự hội thảo có hơn 300 đại biểu đến từ các địa phương khu vực Duyên hải miền trung. Mục tiêu của hội thảo nhằm đánh giá đúng thực trạng phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã tại các tỉnh khu vực Duyên hải miền trung; làm rõ tiềm năng, cơ hội, thách thức và đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã các tỉnh khu vực Duyên hải miền trung trong thời gian tới.

Sau hơn 18 năm thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TƯ Ngày 18-3-2002, Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về “tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”, vị trí, vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng được khẳng định, kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Tại khu vực các tỉnh Duyên hải miền trung đã xuất hiện nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới hoạt động đa dạng, hiệu quả, số hợp tác xã sản xuất theo chuỗi giá trị ngày càng tăng, có đóng góp tích cực vào phát triển nhanh, bền vững của các địa phương nói riêng, cả nước nói chung.

Tại Bình Định, đến nay, toàn tỉnh có 176 hợp tác xã nông nghiệp với 192.860 thành viên. Doanh thu bình quân ước đạt 2.298 triệu đồng/hợp tác xã, lãi bình quân ước đạt 67,6 triệu đồng. Số hợp tác xã hoạt động hiệu quả chiếm khoảng 45%.

Toàn tỉnh Bình Định có 57 hợp tác xã thực hiện liên kết với doanh nghiệp để tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản cho thành viên, 15 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp (chủ yếu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ tưới tự động, bán tự động trong sản xuất...), tạo ra giá trị gia tăng sản phẩm gấp 1,3-1,5 lần, góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên... tiêu biểu như các hợp tác xã: Nhơn Thọ II, Phước Hưng, Ân Tín, Ngọc An, Phước Hiệp, Phước Quang, Phước Sơn I...

Các hợp tác xã đóng góp một phần không nhỏ cho ngân sách nhà nước và tham gia các hoạt động xã hội trên địa bàn, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương, giải quyết công ăn việc làm, nhu cầu và lợi ích chính đáng cho các xã viên, người lao động.

Các tham luận tại hội thảo đã tập trung đánh giá kết quả, khó khăn, tồn tại, hạn chế và chỉ ra nguyên nhân công tác tổ chức và hoạt động của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác trong khu vực Duyên hải miền trung. Qua đó, đề xuất các giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã tại các tỉnh khu vực Duyên hải miền trung. Đồng thời, thực hiện tốt Chương trình Hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ.