Thúc đẩy phát triển khu công nghiệp theo hướng xanh, sinh thái

NDO - Hệ thống khu công nghiệp đã góp phần quan trọng trong việc phát triển doanh nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển sản xuất công nghiệp, tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn còn một số “điểm nghẽn” trong nhận thức, xây dựng chính sách, quản trị của các khu công nghiệp về phát triển bền vững theo hướng xanh, sinh thái cần được nhận diện và thay đổi.
0:00 / 0:00
0:00
Kỹ sư Nhà máy xử lý nước thải tập trung Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền tại Huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng) kiểm tra và bảo dưỡng thiết bị hoạt động của nhà máy. (Ảnh: KHÁNH AN)
Kỹ sư Nhà máy xử lý nước thải tập trung Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền tại Huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng) kiểm tra và bảo dưỡng thiết bị hoạt động của nhà máy. (Ảnh: KHÁNH AN)

Hiện nay, cả nước đang có 418 khu công nghiệp đã thành lập, với 371 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế, 39 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển, 8 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế cửa khẩu, với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129,9 nghìn ha.

Cần chủ động chuyển đổi

Trong số các khu công nghiệp đã được thành lập, có 298 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 120 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các khu công nghiệp cả nước đạt khoảng 51,3 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,5%.

Nếu tính riêng các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 72,5%. Trong số 298 khu công nghiệp đi vào hoạt động, có 272 khu công nghiệp có nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường (đạt tỷ lệ khoảng 91,3%), đáp ứng chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao.

Dù có nhiều đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế- xã hội cho đất nước, song hiện các khu công nghiệp chưa tạo được sự cân bằng giữa kinh tế, môi trường và xã hội khi phát triển đang thiếu sự đồng bộ, thiếu gắn kết.

Nhiều khi công nghiệp vẫn đang sử dụng kém hiệu quả các nguồn tài nguyên, gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường tự nhiên và môi trường sống của cộng đồng dân cư sinh sống quanh các khu công nghiệp.

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) Nguyễn Quang Vinh, nghiên cứu, khảo sát thực trạng các khu công nghiệp theo khung kinh tế, môi trường, xã hội và quản trị (ESG) cho thấy, có tới 50% khu công nghiệp chưa nghe đến khái niệm khu công nghiệp phát triển bền vững, 30% có nghe hiểu về khái niệm khu công nghiệp sinh thái và 20% hiểu rõ khu công nghiệp phát triển bền vững cần bảo đảm cân đối về phát triển đồng thời của 4 trụ cột ESG.

Điều này cũng đã chỉ ra một số “điểm nghẽn” trong các khía cạnh về nhận thức, xây dựng chính sách, quản trị của các khu công nghiệp liên quan đến việc phát triển bền vững các khu công nghiệp. Đây cũng có thể là những chỉ dấu cho các khuyến nghị về chính sách và hành động để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc xây dựng, vận hành các khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam.

Thúc đẩy phát triển khu công nghiệp theo hướng xanh, sinh thái ảnh 2

Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI

"Có tới 50% khu công nghiệp chưa nghe đến khái niệm khu công nghiệp phát triển bền vững, 30% có nghe hiểu về khái niệm khu công nghiệp sinh thái và 20% hiểu rõ khu công nghiệp phát triển bền vững cần bảo đảm cân đối về phát triển đồng thời của 4 trụ cột ESG."

Trong chiến lược quốc gia và phát triển xanh giai đoạn 2021-2030, cũng như cam kết của Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) quyết tâm đưa phát thải ròng carbon về bằng "0" vào năm 2050 là những yêu cầu bức thiết đặt ra trong việc thực hiện phát triển theo hướng xanh, bền vững.

Theo xu hướng này, mô hình khu công nghiệp truyền thống sẽ được thay đổi và phát triển theo hướng bền vững, tiệm cận với yêu cầu quốc tế.

Do đó, với xu hướng phát triển bền vững, yêu cầu xây dựng và chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu thành khu công nghiệp xanh, sinh thái là yêu cầu bức thiết hiện nay nhằm chung tay thực hiện theo các cam kết về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững theo tinh thần mà Chính phủ đã cam kết tại COP26, cũng như phù hợp với yêu cầu phát triển thời gian tới.

Cần thêm chính sách ưu đãi

Cùng với yêu cầu về hành lang pháp lý hoàn chỉnh, nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển các khu công nghiệp sinh thái, những điểm nghẽn về nguồn tài chính, tín dụng cần được tháo gỡ.

Thực tế, để chuyển đổi theo hướng khu công nghiệp bền vững, xanh và sinh thái, đòi hỏi bản thân các doanh trong khu công nghiệp phải có nguồn lực tài chính dồi dào để đầu tư trang thiết bị máy móc và công nghệ hiện đại, nhất là hệ thống xử lý chất thải công nghiệp tạo ra trong quá trình sản xuất.

Trong khi đó, hiện nay chỉ có các chính sách ưu đãi chung, áp dụng cho tất cả các loại hình khu công nghiệp, chưa có chính sách ưu đãi đặc biệt cho việc phát triển loại hình khu công nghiệp sinh thái, như chính sách ưu đãi cụ thể về tiếp cận đất đai, quy hoạch, vốn và khoa học công nghệ....

Thúc đẩy phát triển khu công nghiệp theo hướng xanh, sinh thái ảnh 3

Để phát triển các khu công nghiệp sinh thái, những điểm nghẽn về nguồn tài chính, tín dụng cần được tháo gỡ. (Ảnh: MINH KHÔI)

Vì vậy, để phát triển khu công nghiệp bền vững thời gian tới, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến cho rằng, cần phải nhanh chóng nghiên cứu và khắc phục những "điểm nghẽn" trong thể chế, chính sách về khu công nghiệp. Chính sách phải bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ và có sự đột phá.

Hiện nay chúng ta mới chỉ có các chính sách ưu đãi chung, áp dụng cho tất cả các loại hình khu công nghiệp, chưa có chính sách ưu đãi đặc biệt dành riêng cho việc phát triển loại hình khu công nghiệp sinh thái, như: chính sách ưu đãi cụ thể về tiếp cận đất đai, quy hoạch, vốn và khoa học công nghệ....

Cụ thể, Nhà nước cần hoàn thiện thể chế, chính sách, mô hình phát triển và quản lý khu công nghiệp nhằm tạo đột phá trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa đất nước trên nền tảng năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững.

Xây dựng khu công nghiệp có sức hấp dẫn đầu tư, có tính cạnh tranh quốc tế, thu hút đầu tư có chọn lọc và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên. Đến năm 2030 cần hình thành hệ thống khu công nghiệp phát triển ổn định, đồng bộ, hiện đại, hài hòa về kinh tế, môi trường và xã hội,…

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ, Chủ đầu tư khu công nghiệp Nam Đình Vũ, Trần Tố Loan chia sẻ, việc phát triển khu công nghiệp trở thành khu công nghiệp xanh và sinh thái không chỉ là bằng ý chí chủ quan và mong muốn của riêng chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, mà còn phải sự hợp tác chung tay của tất cả các doanh nghiệp trong khu. Đồng thời, cần sự hỗ trợ rất lớn của Chính phủ và cơ quan quản lý về thể chế chính sách.

"Hiện nay các khu công nghiệp bền vững, khu công nghiệp sinh thái đã có các quy định đầu tiên trong Luật và trở thành lợi thế cạnh tranh. Khi đã trở thành lợi thế cạnh tranh có những quy định cụ thể, sẽ tránh việc cạnh tranh không lành mạnh. Việc đưa đến môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn sẽ khuyến khích tất cả các doanh nghiệp thực hiện phát triển bền vững", bà Loan chia sẻ thêm

Các doanh nghiệp đều mong muốn có thêm các chính sách ưu đãi về tài chính, tín dụng để thúc đẩy tiếp cận vốn cho các khu công nghiệp trong quá trình chuyển đổi mô hình sang các khu công nghiệp sinh thái.

Từ đó, giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực để chủ động thích ứng, chuyển đổi, cũng như nhanh chóng lập kế hoạch các kịch bản, xây dựng chiến lược phát triển xanh; đầu tư vào đổi mới sáng tạo và công nghệ và tham gia vào các sáng kiến hợp tác công nghiệp.