Xây dựng khu công nghiệp xanh, thông minh ở Bình Dương

Xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp nhằm tạo lực phát triển đã giúp tỉnh Bình Dương thu hút đầu tư trong và ngoài nước rất hiệu quả. Nhằm thích ứng với yêu cầu trong thời kỳ hội nhập sâu rộng, đòi hỏi ngày càng cao của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn về hạ tầng, tỉnh Bình Dương đã và đang chuyển hướng phát triển các khu công nghiệp theo hướng xanh, thông minh, tạo sức hấp dẫn mới, thu hút các ngành công nghiệp thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng cao và khả năng cạnh tranh lớn.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc Khu công nghiệp-đô thị-dịch vụ Mỹ Phước tại thị xã Bến Cát do Tổng công ty Becamex IDC đầu tư.
Một góc Khu công nghiệp-đô thị-dịch vụ Mỹ Phước tại thị xã Bến Cát do Tổng công ty Becamex IDC đầu tư.

Thu hút đầu tư hiệu quả

Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Bình Dương có 33 khu công nghiệp với tổng diện tích 14.790 ha, chiếm 7,9% trong tổng số 416 khu công nghiệp được quy hoạch của cả nước. Đến nay, tại tỉnh đã có 28 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tổng diện tích 11.963 ha, chiếm 9,4% trong tổng số 296 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động của cả nước. Ngoài 28 khu công nghiệp đi vào hoạt động, hiện Khu công nghiệp Cây Trường đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5.000, với diện tích 700 ha và đang triển khai các bước tiếp theo để đưa khu công nghiệp đi vào hoạt động.

Với hạ tầng các khu công nghiệp được đánh giá hàng đầu cả nước về chất lượng cũng như kết nối liên thông thuận lợi, đến nay, các khu công nghiệp tại Bình Dương đã cho thuê 7.017,4 ha đất công nghiệp, đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình lên đến 93,14%. Trong năm 2023, các khu công nghiệp trong tỉnh thu hút 6.033 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước; thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1,22 tỷ USD. Tính đến nay, các khu công nghiệp tại Bình Dương đã thu hút 3.112 dự án còn hiệu lực, bao gồm 2.433 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 29,5 tỷ USD và 679 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 93.976 tỷ đồng.

Hiện nay, có 56 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào các khu công nghiệp tại tỉnh; trong đó, Hồng Kông (Trung Quốc) có 217 dự án với tổng vốn đầu tư 3,36 tỷ USD; Nhật Bản có 236 dự án với tổng vốn đầu tư gần 3,35 tỷ USD; Singapore có 157 dự án với tổng vốn đầu tư 2,68 tỷ USD; Hàn Quốc có 351 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 2,64 tỷ USD... Ngành nghề đầu tư vào các khu công nghiệp của doanh nghiệp chủ yếu là sản xuất giày da, dệt may, đồ điện gia dụng, điện tử, linh kiện các loại, cơ khí chế tạo, sản phẩm nhựa plastic...

Theo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, trong năm 2023 doanh thu của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đạt gần 36,2 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 25,1 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 20,75 tỷ USD; thuế và các khoản nộp ngân sách đạt 521 triệu USD. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp giải quyết việc làm cho 532.705 lao động, tăng 11.599 lao động so với cuối năm 2022; thu nhập bình quân của lao động trực tiếp sản xuất trong khu công nghiệp đạt 7,5 triệu đồng/người/tháng. Tính đến nay đã có 468.935 lao động trong khu công nghiệp được ký hợp đồng lao động, đạt tỷ lệ 96,8%/tổng số lao động làm việc trong khu công nghiệp. Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Nguyễn Trung Tín cho biết: Năm 2023 tình hình chung có nhiều khó khăn, thách thức đã ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Trong bối cảnh đó, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo ban đã chỉ đạo quyết liệt, nhờ vậy các chỉ tiêu đề ra đều đạt khá cao, tình hình thu hút đầu tư trong nước đạt 482% kế hoạch, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 111% kế hoạch năm 2023; chủ đầu tư các khu công nghiệp đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng... Bên cạnh đó, công tác an ninh, trật tự khu công nghiệp ổn định, tạo điều kiện cho doanh nghiệp an tâm sản xuất. Công tác chỉ đạo về cải cách thủ tục hành chính được đặt lên hàng đầu, giảm tình trạng giải quyết hồ sơ quá hạn, không để người dân, doanh nghiệp phản ánh về thái độ phục vụ của công chức Ban quản lý.

Phát triển khu công nghiệp xanh và thông minh

Giai đoạn 2023-2025, Bình Dương dự kiến đầu tư hai khu công nghiệp với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 1.000 ha; trong đó, khu công nghiệp chuyên ngành cơ khí với diện tích khoảng 800 ha nhằm mục tiêu phục vụ thu hút các ngành cơ khí ô-tô, tạo tiền đề phát triển công nghiệp tỉnh theo hướng công nghệ cao, tự động hóa, ít thâm dụng lao động. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ thực hiện khu công nghiệp Tân Lập I với diện tích 200 ha để thu hút ngành nghề gỗ. Đây là ngành công nghiệp truyền thống của tỉnh trong thời gian qua. Giai đoạn 2026-2030, tỉnh triển khai tám khu công nghiệp tiếp theo, chủ yếu trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng và Phú Giáo nhằm phát triển toàn diện công nghiệp của tỉnh với diện tích quy hoạch mới trên 6.000 ha.

Chuyển đổi chiến lược theo hướng phát triển bền vững hơn, việc phát triển các khu công nghiệp tại Bình Dương hiện đang được chú trọng thiết kế để tích hợp công nghệ thông minh, từ việc sử dụng năng lượng tái tạo, nước, xử lý chất thải, đến quản lý giao thông và an ninh nhằm mang lại sự an toàn, đáng tin cậy và hiệu quả cho các khách hàng cùng người lao động. Chia sẻ về Khu công nghiệp Cây Trường có quy mô 700 ha đang hoàn tất để đi vào hoạt động, Tổng Giám đốc Tổng công ty Becamex IDC Phạm Ngọc Thuận chia sẻ: Khu công nghiệp Cây Trường sẽ được xây dựng theo mô hình hệ sinh thái công nghiệp kiểu mới với nền tảng đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, kết hợp với hạ tầng giao thông kết nối vùng, hệ thống logictics, đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, đầy đủ dịch vụ y tế, giáo dục và hạ tầng xanh, tạo ra môi trường sống và làm việc tốt cho chuyên gia và người lao động. Những điều đó sẽ giúp địa phương nơi có khu công nghiệp có thể phát triển ổn định và bền vững. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Võ Văn Minh cho biết: Tái cấu trúc mạng lưới công nghiệp nội tỉnh và xây dựng các mô hình công nghiệp-đô thị-dịch vụ mới gắn liền với quy hoạch vùng, tỉnh Bình Dương đã xác định tiếp tục nâng cấp mô hình phát triển công nghiệp của tỉnh nhằm từng bước rời xa thâm dụng lao động, thâm dụng đất đai. Chuyển đổi mô hình phát triển công nghiệp-đô thị-dịch vụ theo hướng thông minh và bền vững, tỉnh sẽ xây dựng và nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu trở thành các khu công nghiệp thông minh, có khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0 (như IoT, Big Data…), thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và giúp nhà đầu tư dễ dàng xây dựng, triển khai mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh một cách nhanh chóng, hiệu quả nhằm gia tăng năng suất lao động, bảo vệ môi trường ■