Thúc đẩy phát triển công trình xanh tại Việt Nam

NDO - Ngày 26/9, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng phối hợp Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội tổ chức Diễn đàn thúc đẩy phát triển công trình xanh tại Việt Nam: Kinh nghiệm và giải pháp. Đây là một trong những hoạt động của Tuần lễ Công trình xanh năm 2024.
Toàn cảnh Diễn đàn.
Toàn cảnh Diễn đàn.
Thúc đẩy phát triển công trình xanh tại Việt Nam ảnh 1

Thứ trưởng Xây dựng Phạm Minh Hà phát biểu tại Diễn đàn.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Xây dựng Phạm Minh Hà nhận định, chuyển đổi xanh cùng chuyển đổi số đang là xu hướng diễn ra trên toàn cầu và tại Việt Nam. Mục tiêu chính của chuyển đổi xanh bao gồm tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm lượng khí thải carbon, thúc đẩy sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng cường sự tham gia của xã hội.

Hiện nay, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, trong đó có lĩnh vực công trình xây dựng. Khái niệm, nội hàm về công trình xanh đã được đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020, Nghị định 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dụng về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Đây là những văn bản pháp lý quan trọng, đánh dấu việc công trình xanh được thể hiện chính thức trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Tính đến giữa năm 2024, Việt Nam đã có khoảng 500 công trình xanh với tổng diện tích sàn khoảng 11,5 triệu m2. Với tổng diện tích sàn xây dựng hằng năm khoảng 100 triệu m2, tiềm năng phát triển công trình xanh của nước ta còn rất lớn. Vì vậy, việc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ công trình xanh sẽ là một giải pháp giúp chuyển đổi xanh ở cấp độ quốc gia nhanh hơn.

Bên cạnh những thuận lợi từ chủ trương, chính sách và động lực từ những cam kết, hành động quốc tế về thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, việc phát triển công trình xanh tại Việt nam thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, rào cản như: công trình xanh mới đang thực hiện ở hình thức khuyến khích, chưa có quy định bắt buộc, trình độ kỹ thuật, công nghệ, năng lực tài chính của chủ đầu tư còn hạn chế, khó khăn khi tiếp cận nguồn tài chính xanh cho các dự án xanh...

Diễn đàn là cơ hội hữu ích để các bên liên quan trao đổi, thảo luận những cơ hội, thách thức, từ đó kiến nghị, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ những rào cản nhằm thúc đầy phát triển công trình xanh trong thời gian tới. Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai các hoạt động thực hiện chuyển đổi xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như Việt Nam đã cam kết.

Thúc đẩy phát triển công trình xanh tại Việt Nam ảnh 2

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội chia sẻ thông tin tại diễn đàn.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, thành phố đã ban hành nhiều chính sách quan trọng về phát triển công trình xanh, đồng thời, Thành phố đang xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai Luật Thủ đô năm 2024, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng các quy định, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển công trình xanh, hạ tầng đô thị thông minh và phát triển bền vững. Các quy định này sẽ tạo nền tảng pháp lý thực thi có hiệu quả cho sự phát triển lâu dài của Thủ đô theo định hướng xanh-thông minh-hiện đại.

Thông qua diễn đàn, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội cam kết tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan, đối tác trong và ngoài nước để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi đô thị, xứng tầm với vị thế Thủ đô.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ về nhiều chủ đề được quan tâm như: nhận diện công trình xanh; quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình theo tiêu chí công trình xanh tại Việt Nam; kinh nghiệm thúc đẩy phát triển công trình xanh thông qua chương trình tiết kiệm điện; các hoạt động thúc đẩy công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng; định hướng xanh tại các khu công nghiệp Việt Nam...