Tăng mảng xanh từ những công trình, ý tưởng sáng tạo

Triển khai đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Chính phủ, thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch để thực hiện mục tiêu trồng 10 triệu cây xanh, trong đó, sự đóng góp của nhân dân là rất đáng ghi nhận.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân Phường 10, quận Phú Nhuận chăm sóc cây cảnh dọc tuyến đường nơi có đường sắt đi qua.
Người dân Phường 10, quận Phú Nhuận chăm sóc cây cảnh dọc tuyến đường nơi có đường sắt đi qua.

Tại các địa bàn dân cư, nhiều công trình dù có quy mô, diện tích rất nhỏ nhưng không những góp phần tăng mảng xanh mà còn thay đổi nhận thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường một cách tích cực, bền vững.

Biến bãi rác thành mảng xanh

Công trình phủ xanh, trồng hoa bằng các chậu cây nhựa tái chế kết hợp các bảng pano tuyên truyền, cổ động tại Phường 10, quận Phú Nhuận là một trong những công trình thiết thực của địa phương thực hiện theo Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19/10/2018 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về Cuộc vận động “Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”.

Thay thế những trụ bê-tông khô cứng, những bịch rác treo dọc hành lang an toàn đường sắt trước đây, giờ là những chậu cây xanh mướt đủ loại rất bắt mắt. Công trình ban đầu được thực hiện từ ý tưởng của ông Phan Văn Chánh (ngụ Phường 10, quận Phú Nhuận). Nhằm khơi sức dân trong việc tăng mảng xanh và bảo vệ môi trường, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Phường 10; các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân trên địa bàn đã cùng chung tay thực hiện công trình ý nghĩa này.

Theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Phường 10 (quận Phú Nhuận) Nguyễn Ngọc Bình, qua gần sáu tháng thực hiện, dãy hành lang dài hơn 50m với hơn 500 chậu cây tái chế và 10 bảng pano tuyên truyền cổ động đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt đô thị khu vực này. Các hình ảnh nhếch nhác về rác thải, phơi đồ đạc,… đã được thay hoàn toàn bằng cây xanh.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bình, thời gian tới các đơn vị sẽ tiếp tục duy trì việc vận động nhân dân thực hiện, làm thêm các chậu cây tái chế, tổ chức các đợt ra quân dọn dẹp vệ sinh, bảo dưỡng các chậu cây; thay đổi nội dung tuyên truyền trên pano, vận động các cơ quan, đơn vị và khu phố tiếp tục đồng hành với công trình.

Đường D9 ở Phường 14, Quận 10 trước đây là một “điểm đen” khi tuyến đường trở thành nơi vứt rác của những người dân thiếu ý thức, thậm chí, lâu ngày nhiều nơi còn bốc mùi khó chịu. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn thực hiện, từ sự đồng lòng của chính quyền và người dân, tuyến đường này trở thành một điểm xanh ấn tượng mới của không chỉ Phường 14 mà còn là của cả quận khi công trình “Vườn Trường Sa” ra đời.

Nói về ý tưởng này, bà Hoàng Kim Chi, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường cho biết: “Chúng tôi muốn thông qua công trình này vừa góp phần làm đẹp môi trường, vừa tuyên truyền về chủ quyền biên giới, biển đảo quê hương. Điểm nhấn chính công trình là hình ảnh mô phỏng cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa và nhiều loại cây xanh kết hợp tạo nên một công trình xanh mới cho phường. Sau hơn chín tháng hình thành, nơi đây đang trở thành một điểm “check-in” mới của người dân và giới trẻ mỗi dịp ghé đến. Điều ý nghĩa hơn, trong khu vườn này còn có một gốc bàng vuông do quân và dân Trường Sa gửi tặng và nhân dân phường trồng mới đây”.

Nhiều giải pháp để tăng mảng xanh

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Các mô hình sáng tạo ở cơ sở đã được duy trì qua nhiều năm, góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong công tác bảo vệ môi trường. Hy vọng các phong trào, mô hình đó sẽ được lan tỏa ở những khu dân cư, những nơi có điều kiện phù hợp để mảng xanh sẽ lấn át các điểm đen về rác và ô nhiễm môi trường.

Việc làm này sẽ có hiệu quả hơn khi cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho các đơn vị và nhân dân thực hiện. Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh Trần Thị Phương Hoa cho biết: Những năm qua, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã phối hợp ký kết với các Ủy ban nhân dân địa phương, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay góp sức thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Cuộc vận động “Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” và nhiều mô hình về bảo vệ môi trường. Đến nay, trên địa bàn thành phố đang duy trì 1.920 điểm, công trình sạch-xanh-thân thiện môi trường dựa vào cộng đồng dân cư.

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh), toàn thành phố hiện có 508,561 ha đất công viên. Chỉ tiêu đất công viên công cộng của thành phố chỉ đạt bình quân 0,55m2/người (quy mô dân số chín triệu người). Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025 có chỉ tiêu quy hoạch đất cây xanh đề ra là khoảng 6,3m2/người thì con số nêu trên là quá thấp. Ngoài ra, công viên cây xanh trên địa bàn thành phố phân bố không đều, trong đó, có một số quận thậm chí còn không có công viên cây xanh nào.

Nhiều công viên đã được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác thời gian dài nên cơ sở hạ tầng bị xuống cấp. Trong khi đó, việc thiếu quy hoạch chi tiết xây dựng tổng mặt bằng trong các công viên làm cho việc sử dụng, kinh doanh, khai thác mặt bằng công viên không thể kiểm soát, thiếu định hướng trong nâng cấp, cải tạo phù hợp với nhu cầu hiện tại của người dân, cũng như chấn chỉnh trong nhiều trường hợp khác nhau.

Để hiện thực hóa các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng mảng xanh, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch trồng 10 triệu cây xanh giai đoạn 2021-2025. Với những nỗ lực trong thời gian qua, thành phố đã huy động và trồng được gần 5,8 triệu cây xanh trên khắp địa bàn thành phố.

Ngoài việc phát động phong trào mỗi người dân thành phố trồng một cây xanh, thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương rà soát, bổ sung, bố trí các diện tích đất công thích hợp để trồng cây xanh; siết chặt kiểm soát diện tích công viên đang sử dụng sai mục đích để trả lại không gian công cộng tại các công viên; đồng thời, cần thanh tra, giám sát các chủ đầu tư dự án khu dân cư, khu đô thị buộc phải thực hiện nghiêm túc các cam kết xây dựng diện tích công viên cây xanh; tập trung xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực phát triển công viên cây xanh…