Thúc đẩy nỗ lực ngoại giao ở Gaza

Các nguồn tin Ai Cập cho biết các cuộc đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel tại Gaza dự kiến được nối lại vào ngày mai (21/8).
Tình nguyện viên y tế kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân ở miền nam Dải Gaza.
Tình nguyện viên y tế kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân ở miền nam Dải Gaza.

Trong khi đó, các đại diện trung gian hòa giải của Ai Cập, Mỹ và Israel hiện đang ở Doha (Qatar) thảo luận "các điểm kỹ thuật" của thỏa thuận ngừng bắn để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán tại Cairo.

Israel vẫn giữ nguyên tắc "cho và nhận"

Phát biểu trong cuộc họp nội các hằng tuần tại Jerusalem ngày 18/8, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nêu rõ, Israel vẫn giữ nguyên các yêu cầu trong đàm phán về ngừng bắn tại Dải Gaza.

Ông nhấn mạnh, Israel đàm phán theo nguyên tắc "cho và nhận", có những lĩnh vực có thể linh hoạt, nhưng có những lĩnh vực không thể nhượng bộ.

Thủ tướng Israel đưa ra tuyên bố nêu trên trong bối cảnh những nỗ lực ngoại giao không ngừng nghỉ trong thời gian qua, với hàng chục vòng đàm phán gián tiếp giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza, không đi đến thỏa thuận chính thức nào kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn ngắn ngủi sụp đổ cuối năm ngoái.

Vòng đàm phán mới nhất diễn ra trong 2 ngày tại Doha (Qatar) kết thúc vào ngày 16/8 vừa qua mà không có đột phá đáng kể. Hamas không trực tiếp tham gia vòng đàm phán này.

Trong tuyên bố cùng ngày, Hamas cho rằng phía Israel đang tìm cách trì hoãn và kéo dài cuộc xung đột ở Gaza. Hamas kêu gọi các bên trung gian hòa giải đưa ra một kế hoạch cụ thể để thực hiện các đề xuất đã được thống nhất trước đó vào ngày 2/7.

Hamas nhấn mạnh, đề xuất mới nhất được đưa ra trong các cuộc đàm phán chỉ phù hợp với các điều kiện của Israel, trong đó đáng chú ý là việc Thủ tướng Benjamin Netanyahu từ chối lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và bất kỳ hoạt động rút quân nào khỏi Gaza. Ngoài ra, Hamas cũng bày tỏ không tán thành các điều kiện mới mà Israel áp đặt đối với các cuộc đàm phán trao đổi tù nhân.

Bên cạnh đó, Hamas khẳng định, họ đã tiếp cận các nỗ lực hòa giải của Qatar và Ai Cập một cách có trách nhiệm, đồng thời đã xem xét mọi đề xuất nhằm ngăn chặn hành động gây hấn chống lại người Palestine và tiến tới ký kết thỏa thuận trao đổi tù nhân.

Hamas lưu ý rằng cách tiếp cận này được thúc đẩy với mong muốn tránh đổ máu cho người dân Palestine và chấm dứt bạo lực nhằm vào dân thường ở Dải Gaza.

Kỳ vọng tạo đột phá

Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đã tới Israel trong chuyến công du nhằm thúc đẩy đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Ðây là chuyến công du thứ 9 của ông Blinken tới Trung Ðông kể từ khi cuộc xung đột tại Gaza nổ ra vào tháng 10/2023.

Tại Israel, ngoài cuộc gặp Thủ tướng Netanyahu, ông Blinken còn gặp Tổng thống Isaac Herzog và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant. Ngày 20/8, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ sẽ đến Ai Cập.

Bộ trưởng Ngoại giao Antony Blinken dự kiến sẽ nỗ lực thúc đẩy đạt được đột phá với đề xuất mới, trong đó các nước hòa giải tin rằng sẽ thu hẹp bất đồng giữa Israel và Hamas. Trong khi đó, theo một tuyên bố từ Nhà trắng, do các nhà trung gian hòa giải Qatar và Ai Cập đưa ra, mô tả một đề xuất mới mà họ cho rằng sẽ được xây dựng dựa trên các nội dung đã thỏa thuận và tìm cách thu hẹp những khoảng trống còn lại, cho phép thực hiện thỏa thuận một cách nhanh chóng.

Trước chuyến công du này của ông Blinken, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi giữa Israel và Hamas "đã gần hơn bao giờ hết".

Việc đạt được một thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza ngày càng trở nên cấp thiết, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế lo ngại nguy cơ leo thang xung đột toàn khu vực Trung Ðông sau vụ ám sát thủ lĩnh chính trị của Hamas Ismail Haniyeh ở Tehran (Iran) ngày 31/7 vừa qua.