Thúc đẩy những sáng kiến đổi mới hoạt động của IPU

NDO -

Nhân dịp dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tại Cộng hòa Áo, trưa 6/9 (giờ địa phương), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc gặp với Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Duarta Pacheco.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Duarta Pacheco. (Ảnh: DOÃN TẤN/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Duarta Pacheco. (Ảnh: DOÃN TẤN/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao thành công và tinh thần trách nhiệm của Chủ tịch IPU Duarta Pacheco trong điều hành và tổ chức Đại hội đồng IPU lần thứ 142 vào tháng 4/2021 theo hình thức trực tuyến, cũng như tổ chức Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 trực tiếp tại Áo lần này.

Dịp này, Chủ tịch Quốc hội thông báo Quốc hội Việt Nam đã tích cực tham gia vào việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam; thông qua các đạo luật; thẩm tra và phê chuẩn các công ước, điều ước quốc tế có liên quan…

Quốc hội Việt Nam kịp thời hành động, thông qua Nghị quyết tạo khung khổ pháp lý cho Chính phủ chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, kiểm soát đại dịch Covid-19.

Ba đề xuất với IPU

Chủ tịch Quốc hội nêu ba đề xuất để IPU trở thành một tổ chức hoạt động hiệu quả hơn nữa: Đó là, tích cực thúc đẩy những sáng kiến nhằm đổi mới hoạt động, nâng cao vai trò của IPU trong các vấn đề quốc tế hiện nay, nhất là phát triển hơn nữa quan hệ đối tác giữa IPU và Liên hợp quốc, bảo đảm lợi ích chung của các Nghị viện thành viên.

Đồng thời, đóng góp vào sự phát triển của ngoại giao nghị viện thế giới, củng cố hợp tác đa phương; thúc đẩy Ban Thư ký IPU triển khai dự án hợp tác 3 bên giữa Nghị viện thành viên - IPU và Liên hợp quốc, hỗ trợ và tạo điều kiện để Quốc hội Việt Nam hội nhập sâu, rộng hơn vào các hoạt động của các tổ chức quốc tế, nhất là trong vấn đề phát triển bền vững, giảm nghèo, phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19.

“Việt Nam sẵn sàng đăng cai tổ chức các hội nghị chuyên đề theo đề nghị của IPU coi đây là cơ hội vừa hỗ trợ IPU vừa nâng cao năng lực hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Bày tỏ nhất trí với các đề xuất, Chủ tịch IPU Duarta Pacheco khẳng định sẵn sàng đến Hà Nội trao đổi trực tiếp, cụ thể để triển khai sáng kiến của Việt Nam, trong đó có việc tổ chức các hội nghị chuyên đề, hội nghị khu vực về SDGs, phục hồi kinh tế, hội nghị toàn cầu các nghị sĩ trẻ… giữa các kỳ đại hội đồng IPU.

Hai bên nhất trí cho rằng IPU đã hoạt động tích cực, hiệu quả và có nhiều đóng góp trong suốt 130 năm qua cho hợp tác liên nghị viện và ngoại giao đa phương. Thời gian tới, hai bên thống nhất các thành viên cần tích cực đề xuất và thúc đẩy những sáng kiến nhằm đổi mới hoạt động của IPU, nhất là phát triển hơn nữa quan hệ đối tác giữa IPU và Liên hợp quốc.

Đại dịch cho thấy, không một quốc gia nào dù phát triển hay đang phát triển có thể giải quyết được các vấn đề toàn cầu mà hợp tác đa phương vẫn là phương thức tốt nhất, trong đó có hợp tác qua kênh nghị viện. Tất cả các nghị viện cần hợp tác với nhau và đặt niềm tin vào IPU để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Vai trò dẫn dắt trong phòng, chống dịch

Chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội có cuộc hội kiến với Chủ tịch Hạ viện Indonesia Puan Maharani.

Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị, duy trì tiếp xúc cấp cao bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến, trong đó thúc đẩy trao đổi Đoàn qua kênh nghị viện như giữa các ủy ban chuyên môn, giao lưu giữa hai Nhóm nghị sĩ hữu nghị, phối hợp tại các diễn đàn quốc tế như IPU, Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF), AIPA; thực hiện tốt Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Hạ viện Indonesia.

Thúc đẩy những sáng kiến đổi mới hoạt động của IPU -0
 Vấn đề tiếp cận vaccine công bằng, cởi mở và minh bạch đi đôi với nghiên cứu, sản xuất vaccine được Việt Nam và Indonesia chia sẻ. (Ảnh: DOÃN TẤN/TTXVN)

Hai bên chia sẻ trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biễn phức tạp như hiện nay, các nước ASEAN cần phối hợp nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng dịch vì lợi ích của người dân.

Theo đó, Quốc hội mỗi nước cần có tiếng nói tại các diễn đàn khu vực và thế giới để tất cả các nước đều được tiếp cận vaccine công bằng, cởi mở và minh bạch đi đôi với nghiên cứu, sản xuất vaccine.

Trên tinh thần Đối tác chiến lược, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên phối hợp giải quyết các vấn đề cùng quan tâm như thương mại hàng hóa, trong đó, đề nghị Indonesia tạo điều kiện hơn cho Việt Nam xuất khẩu hàng nông sản và trái cây, đối xử nhân đạo với ngư dân Việt Nam, thúc đẩy đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước.

Về các vấn đề khu vực và quốc tế, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN và việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không và sớm xây dựng được COC thực chất, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Nghị viện các nước phải tăng cường vai trò dẫn dắt trong phòng, chống dịch Covid-19 và hợp tác để khôi phục kinh tế.

Dịp này, Chủ tịch Quốc hội chúc mừng Indonesia đảm nhận vai trò Chủ tịch G20 trong năm 2022 và bày tỏ hy vọng các nước ASEAN được tham dự sự kiện quan trọng này.

Chủ tịch Hạ viện Indonesia khẳng định, Hạ viện Indonessia sẵn sàng hợp tác với Quốc hội Việt Nam, có tiếng nói để chính phủ Indonesia tăng cường hợp tác với Việt Nam trong kiểm soát đại dịch và tiếp tục phục hồi sau đại dịch.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng mời Chủ tịch Puan Maharani sang thăm Việt Nam vào thời điểm phù hợp và chuyển lời thăm hỏi đến Ngài Chủ tịch Thượng viện Indonesia.