Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc:

Thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế tập thể tại Tiền Giang

NDO -

Với một tỉnh có rất nhiều thuận lợi trong phát triển công nghiệp, kinh tế biển và nông nghiệp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gợi ý Tiền Giang muốn phát triển bền vững phải có định hướng thật cụ thể; trong đó tập trung phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao; du lịch có đặc sắc riêng, khởi nghiệp sáng tạo, chú trọng nguồn nhân lực có trình độ cao, liên kết theo chuỗi giá trị...

Sáng 6/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến thăm, động viên một số mô hình hợp tác xã tiêu biểu của tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: TTXVN)
Sáng 6/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến thăm, động viên một số mô hình hợp tác xã tiêu biểu của tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: TTXVN)

Sáng 6/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Tiền Giang về kết quả phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã.

Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, năm 2021 và quý I/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, thường xuyên bám sát cơ sở để điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc. Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo về phòng chống tham nhũng, vận động quần chúng được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên.

Sau khi khống chế thành công dịch Covid-19, tỉnh Tiền Giang đã ban hành và triển khai thực hiện các Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, kế hoạch phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó tập trung thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Đến nay, sản xuất nông nghiệp ổn định, các hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ, doanh nghiệp thành lập mới, thu hút đầu tư trong quý I/2022 tăng cao so cùng kỳ năm 2021.

Đến nay, toàn tỉnh Tiền Giang có 6/11 huyện, thànhn phố, thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó có 131/143 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 26 xã được công nhận nông thôn mới nâng cao. Năm 2021 và Quý I năm 2022, địa phương đã thành lập mới 23 hợp tác xã, nâng tổng số đến nay là 247 hợp tác xã. Các hợp tác xã đã thu hút hơn 87 nghìn thành viên tham gia, tạo việc làm cho khoảng 30.600 lao động.

Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện có 3 khu công nghiệp, thu hút được 107 dự án (trong đó có 78 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư hơn 2.251 triệu USD (vốn đầu tư FDI) và hơn 4.575 tỷ đồng (vốn đầu tư trong nước DDI). Trong quý I/2022, sản xuất công nghiệp đã phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,41% so cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh.

Trong thời gian tới, tỉnh Tiền Giang tập trung lãnh đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng bộ tỉnh và góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; lãnh đạo triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nhóm giải pháp đã đề ra trong kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong năm 2022, năm 2023 gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ; tiếp tục triển khai thực hiện các đề án trong nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, trong điều kiện biến đổi khí hậu; đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số PAPI, SIPAS...

Thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế tập thể tại Tiền Giang -0
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được các cấp ủy Đảng của tỉnh Tiền Giang quan tâm. Lãnh đạo địa phương đã phát huy tốt tinh thần đoàn kết, dân chủ, quyết tâm thực hiện thắng lợi kế hoạch đã đề ra. Mặc dù, tỉnh Tiền Giang bị ảnh hưởng chung của đại dịch Covid-19, tuy nhiên công tác phục hồi kinh tế-xã hội khá tốt, nhiều lĩnh vực tăng trưởng trở lại, đặc biệt là ngành nông nghiệp.

Thời gian qua, địa phương đã chú trọng xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống người nông dân. Nhiều sản phẩm OCOP được chứng nhận và có mặt trên thị trường. Thu hút dự án đầu tư bắt đầu có nhiều tín hiệu tích cực. Giải ngân vốn đầu tư công cao so với các địa phương trong cả nước.

Chủ tịch nước nhấn mạnh chủ trương quan trọng của Đảng ta là kinh tế nhà nước cùng kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Do đó, cùng với tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể cần những cơ chế tốt hơn để phát triển kinh tế hợp tác trong thời gian tới sát với yêu cầu thực tiễn hơn.

Đánh giá về kết quả phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, Chủ tịch nước cho rằng, tỉnh đã triển khai nghiêm túc Nghị quyết 13-NQ/TW, quyết liệt trong xử lý, tái cơ cấu các cơ sở yếu kém. Đến nay, phát triển kinh tế tập thể ở Tiền Giang tương đối đa dạng, có nhiều mô hình hiệu quả, được nhân rộng và trở thành một xu thế phát triển tốt, đóng góp ngày càng tích cực vào lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Số lượng hợp tác xã thành lập mới ngày càng nhiều, trong đó, một số hợp tác xã có hội đồng quản trị có trình độ cao, qua đào tạo. Một số hợp tác xã đã liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, được Nhà nước hỗ trợ để tổ chức lại sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn như: VietGAP, Global GAP và có đầu ra ổn định.

Tuy vậy, các hợp tác xã của tỉnh Tiền Giang cũng còn những hạn chế nhất định như: nhỏ lẻ, manh mún, thiếu vốn, thiếu quỹ đất, cơ sở hạ tầng chưa bảo đảm, công nghệ phục vụ sản xuất và chế biến chưa nhiều...

Chủ tịch nước mong muốn trong thời gian tới tỉnh Tiền Giang tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo, đổi mới, đoàn kết, khắc phục những khó khăn, bất cập để đưa địa phương phát triển nhanh so với các địa phương khác trong cả nước.

Với một tỉnh có rất nhiều thuận lợi trong phát triển công nghiệp, kinh tế biển và nông nghiệp, Chủ tịch nước gợi ý Tiền Giang muốn phát triển bền vững phải có định hướng thật cụ thể; trong đó tập trung phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao; du lịch có đặc sắc riêng, khởi nghiệp sáng tạo, chú trọng nguồn nhân lực có trình độ cao, liên kết theo chuỗi giá trị...

Kinh tế hợp tác, hợp tác xã kiểu mới là xu hướng tất yếu phát triển, cần cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, cụ thể hơn trong thời gian tới. Vì vậy, các bộ, ngành và địa phương cần chỉ đạo quyết liệt hơn trong củng cố, nâng cao chất lượng các hợp tác xã; các vấn đề về chính sách như: vốn, quỹ đất, nguồn nhân lực... cần được quan tâm tháo gỡ khó khăn để tạo điều kiện cho các hợp tác xã phát triển, mang lại lợi ích cho xã viên, cho cộng đồng.

Chủ tịch nước đề nghị tỉnh Tiền Giang tổ chức tốt việc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW về tiếp tục phát triển kinh tế tập thể; có những đề xuất, kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện Nghị quyết phù hợp, sao cho phát huy hơn nữa hiệu quả mô hình kinh tế quan trọng này; đồng thời tăng cường áp dụng kinh nghiệm các mô hình tiên tiến ở trong và ngoài nước. Đặc biệt, Chủ tịch nước mong muốn Tiền Giang phát huy hơn nữa vai trò Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, huy động sức mạnh tổng hợp trong vận động các hội viên tham gia phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn.