Mặc dù thời tiết không thuận lợi do có mưa, nhưng những ngày cuối tuần qua, khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ, nhà Bát giác (quận Hoàn Kiếm) luôn tấp nập người đến khám phá không gian văn hóa các tỉnh Việt Bắc gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn.
Mỗi gian hàng của một tỉnh là một không gian văn hóa thu nhỏ của văn hóa địa phương. Chiếc cổng xếp đá, những bắp ngô gác bếp khiến người ta nhận ra ngay đặc trưng của vùng cao nguyên đá Hà Giang.
Ở một gian hàng khác, khách tham quan chứng kiến cảnh sao chè - một công đoạn quan trọng trong quy trình chế biến chè Thái Nguyên.
Gian hàng đến từ Lạng Sơn giới thiệu nhiều sản vật như đặc sản vịt quay… Khách tham quan có thể thưởng thức, mua bán rất nhiều sản vật: Bánh chưng gù Hà Giang, thịt trâu, thịt bò hun khói, măng rừng, hạt tiêu rừng, mật ong rừng, chè sạch… từ các gian hàng. Cũng tại không gian này, nghệ nhân miền núi liên tục trình diễn các loại hình diễn xướng dân gian để phục vụ du khách.
Trong khi đó, tại vỉa hè phố Đinh Tiên Hoàng, nổi bật những hình ảnh phong cảnh thiên nhiên, nét đẹp văn hóa các tỉnh Việt Bắc. Ban tổ chức cũng thiết kế những mô hình như: Hẻm Tu Sản (Hà Giang), cây đa Tân Trào (Tuyên Quang)… để khách chụp hình lưu niệm. Anh Lương Ngọc Nam (phố Xã Đàn, quận Đống Đa) cho biết: “Đã khá lâu rồi phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm mới đông như thế. Thời điểm này cả nước đang khôi phục du lịch, nhiều tua du lịch được khuyến mại với giá tốt. Đây là dịp thích hợp để tổ chức một chuyến đi đến vùng Việt Bắc”.
Việt Bắc là khu vực rộng lớn, với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ có tiềm năng du lịch rất lớn. Đó là các danh thắng như: Cột cờ Lũng Cú, núi Cô Tiên, hẻm Tu Sản và nhiều cảnh quan ở vùng cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang); hồ Ba Bể, bản văn hóa Pác Ngòi (Bắc Kạn); di tích về Bác Hồ ở Pác Bó, thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao (Cao Bằng); khu di tích ATK ở Sơn Dương, khu sinh thái Na Hang (Tuyên Quang)… cảnh sắc thiên nhiên được tô điểm bằng những sắc màu văn hóa các dân tộc thiểu số như: H'Mông, Dao, Tày, Nùng, Lô Lô, Sán Chay…
Những phong tục, tập quán, nhất là ẩm thực của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Bắc luôn có “sức hút” lớn với khách du lịch trong nước và quốc tế. Những năm qua, các địa phương Việt Bắc đã có nhiều hợp tác trong phát triển du lịch với chương trình “Qua miền di sản Việt Bắc”. Năm 2022, lần đầu sự hợp tác được mở rộng với sự tham gia của thành phố Hà Nội để đưa khách khám phá những danh thắng thiên nhiên cũng như đón khách từ Việt Bắc đến Thủ đô.
Năm 2022, Hà Giang là Nhóm trưởng luân phiên của Nhóm phát triển du lịch Việt Bắc và Hà Nội. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết: “Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” đã trải qua 13 năm luân phiên tổ chức giữa các tỉnh trong nhóm hợp tác, trở thành sự kiện hằng năm, góp phần tăng cường công tác quảng bá xúc tiến du lịch liên vùng.
Năm 2022, lần đầu sự kiện được tổ chức ngoài địa bàn, đã thu hút sự quan tâm của du khách, các doanh nghiệp du lịch, nhà đầu tư tại Hà Nội, đồng thời thúc đẩy hợp tác liên kết du lịch giữa Thủ đô và các địa phương Việt Bắc”. Được tổ chức trong không gian đi bộ, sự kiện còn là dịp quảng bá du lịch Việt Bắc không chỉ đến người dân mà còn đến khách du lịch trong nước, quốc tế khi đến Hà Nội.
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, Hà Nội là trung tâm văn hóa, chính trị, điểm đến du lịch, điểm trung chuyển khách du lịch quốc tế hàng đầu cả nước. Sự liên kết giữa sáu tỉnh Việt Bắc với Hà Nội sẽ tạo nên thế mạnh tổng thể phát triển du lịch cả vùng, đồng thời tác động lan tỏa, thúc đẩy du lịch của các địa phương lân cận cũng như mối liên kết vùng phát triển.