Thúc đẩy kinh tế trang trại

Thời gian qua, phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn thành phố Hà Nội đã và đang mang lại những kết quả tích cực góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giải quyết việc làm và thu nhập cho người dân. Các trang trại cũng giúp đáp ứng nguồn nông sản chất lượng, an toàn đối với người tiêu dùng tại thành phố và các địa phương khác. 
0:00 / 0:00
0:00
Người dân thành phố Hà Nội chăm sóc hoa lan. (Ảnh: NGUYỄN VĂN CHIẾN)
Người dân thành phố Hà Nội chăm sóc hoa lan. (Ảnh: NGUYỄN VĂN CHIẾN)

Hiện nay, toàn thành phố có 1.695 trang trại, trong đó 43 trang trại trồng trọt, 1.346 trang trại chăn nuôi, 196 trang trại nuôi trồng thủy sản, 109 trang trại tổng hợp. Đã có 15 trang trại đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP, 64 trang trại có sản phẩm VietGAP, hữu cơ, 281 trang trại ứng dụng công nghệ cao, 294 trang trại có liên kết sản xuất và tiêu thụ... Đáng chú ý, trên địa bàn thành phố đã hình thành một số trang trại kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Phó Chánh văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Ngọ Văn Ngôn cho biết, thời gian qua, phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn đã góp phần sử dụng hiệu quả đất đai, vốn và chuyển giao khoa học kỹ thuật; đồng thời cung ứng cho thị trường số lượng lớn nông sản với các sản phẩm nông nghiệp đa dạng, phong phú; từ đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng nhanh tỷ trọng sản xuất hàng hóa. Cùng với đó, thành phố đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, tạo tiền đề cho công nghiệp chế biến nông sản phát triển và đưa công nghiệp cũng như các ngành nghề dịch vụ đến khu vực nông thôn.

Theo thống kê, những năm gần đây, thu nhập của các trang trại ngày càng được nâng cao nhờ người dân mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Nhờ những chủ trang trại dám nghĩ, dám làm đã tạo ra bước đột phá trong nhóm kinh tế tư nhân, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nhân dân vùng nông thôn, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Nhiều trang trại đã quan tâm đến liên kết sản xuất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Từ Đức Mạnh, địa bàn huyện có 39 trang trại, trong đó 18 trang trại chăn nuôi, 16 trang trại tổng hợp... tạo việc làm cho 88 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân đạt 6 triệu đồng/người/tháng. Thời gian qua, các trang trại đã khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ đời sống nhân dân trong vùng góp phần phát triển nông nghiệp bền vững và bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô vừa và lớn gắn với thị trường. Các chủ trang trại đều mạnh dạn đầu tư khoa học kỹ thuật, chuồng trại, máy móc trang thiết bị vào sản xuất nhất là các trang trại chăn nuôi nhằm hạn chế rủi ro trong sản xuất và mang lại lợi nhuận cao; chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học về cây, con giống mới đưa vào sản xuất.

Huyện Đan Phượng, có 25 trang trại với tổng diện tích đất sản xuất là 4,32 ha tại các xã Phương Đình, Thọ An, Trung Châu; trong đó, có 23 trang trại nuôi lợn, hai trang trại nuôi gà, lợn và bò với số lao động thường xuyên là 71 người. Các trang trại đều áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi an toàn với chuồng trại khép kín, thông gió, hệ thống làm mát, máy ăn, máy vắt sữa tự động. Một số trang trại thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các cơ sở giết mổ lợn, sản xuất nem Phùng và cơ sở thu mua sữa bò để nâng cao giá trị sản phẩm.

Tại huyện Mê Linh, hiện có 17 trang trại, hầu hết đều ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và các sản phẩm đều có truy xuất nguồn gốc. Thời gian qua, Ủy ban nhân dân huyện luôn quan tâm, tạo điều kiện khuyến khích nhân dân tập trung ruộng đất, xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo mô hình kinh tế trang trại; qua đó đã mang lại hiệu quả tích cực như: Khai thác tối đa nguồn lực đất đai từ việc chuyển đổi những vùng trũng, trồng lúa, rau màu năng suất thấp, kém hiệu quả sang mô hình kinh tế trang trại. Huyện đã hình thành những vùng sản xuất chuyên canh tập trung như, vùng sản xuất rau an toàn ở các xã: Tiền Phong, Tráng Việt, Đại Thịnh, Văn Khê, Tiến Thắng; vùng trồng hoa tại các xã: Mê Linh, Đại Thịnh, Văn Khê; vùng chăn nuôi tập trung ở các xã: Tiến Thắng, Liên Mạc, Tự Lập…

Tuy nhiên, qua đánh giá, kinh tế trang trại tại một số huyện, mang lại hiệu quả chưa cao; nhiều trang trại chủ yếu sản xuất, kinh doanh độc lập, tự phát; việc liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa các trang trại với doanh nghiệp còn ít. Mặt khác, trình độ năng lực quản lý tiếp cận thông tin về thị trường và tổ chức sản xuất của hầu hết các trang trại còn hạn chế, chất lượng lao động làm việc trong các trang trại còn thấp. Nhiều trang trại thiếu vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, lãi suất vay ở ngân hàng còn cao. Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục phát triển các loại hình kinh tế trang trại, gia trại theo chuỗi liên kết, kết hợp du lịch sinh thái, giáo dục trải nghiệm gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề; từ đó phát huy hiệu quả sử dụng đất, nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn.