Thúc đẩy hợp tác và kết nối các thành phố ASEAN-Trung Quốc

NDO - Trong các ngày từ 15-18/1, Diễn đàn Đối thoại Thị trưởng thế giới diễn ra tại thành phố Nam Ninh, thủ phủ Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, với sự tham dự của Thị trưởng/Chủ tịch Ủy ban nhân dân của 12 thành phố và đại diện Lãnh sự quán của 8 quốc gia trong khu vực gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar và Thái Lan.
0:00 / 0:00
0:00
Thị trưởng/Chủ tịch Ủy ban nhân dân của các thành phố cùng thảo luận về chủ đề "Chung tay xây dựng ngôi nhà hữu nghị ASEAN-Trung Quốc: Mở cửa và hợp tác giữa các thành phố".
Thị trưởng/Chủ tịch Ủy ban nhân dân của các thành phố cùng thảo luận về chủ đề "Chung tay xây dựng ngôi nhà hữu nghị ASEAN-Trung Quốc: Mở cửa và hợp tác giữa các thành phố".

Lễ khai mạc Diễn đàn diễn ra ngày 16/1, có sự tham dự của bà Trần Tính Quân, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên truyền Đảng ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Ông Nông Văn Sinh, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Bí thư Thành ủy Nam Ninh; ông Atsaphangthong Siphandone, Đô trưởng Vientiane (Lào) và ông Nguyễn Văn Hạnh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Lạng Sơn dự và phát biểu.

Đại diện thành phố chủ nhà, ông Nông Văn Sinh cho biết, Nam Ninh là địa chỉ tổ chức thường niên của Hội chợ Trung Quốc-ASEAN (CAEXPO), đã bám sát định vị mới là xây dựng đô thị lớn, quốc tế hóa, hướng tới mở cửa và hợp tác với ASEAN, trở thành nhịp cầu quan trọng trong giao lưu, hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN, góp phần vào sự kết nối hai chiều về cả kinh tế-thương mại, khoa học-công nghệ, giao lưu nhân văn...

Thúc đẩy hợp tác và kết nối các thành phố ASEAN-Trung Quốc ảnh 1

Ông Nông Văn Sinh, Bí thư Thành ủy Nam Ninh phát biểu tại Diễn đàn.

Thành phố Nam Ninh sẵn sàng chung tay hợp tác với các thành phố của ASEAN, làm sâu sắc hơn nữa giao lưu hữu nghị và xây dựng kết nối, mở cửa hội nhập, hợp tác ngành nghề xuyên biên giới và giao lưu nhân văn giữa các địa phương trong khu vực, phát huy vai trò là cửa sổ, nhịp cầu để thúc đẩy xây dựng khu vực thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN phiên bản 3.0, hỗ trợ lẫn nhau để hướng tới sự thịnh vượng chung của khu vực.

Về phần mình, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Lạng Sơn Nguyễn Văn Hạnh đã giới thiệu về hai thành phố của Việt Nam tham dự Diễn đàn lần này là Lạng Sơn và Móng Cái. Ông cho biết, hai địa phương đều sở hữu nhiều hệ thống hạ tầng phát triển tương đối đồng bộ, thu hút nhiều doanh nghiệp với các dự án quy mô về dịch vụ và logictics. Đặc biệt, việc triển khai cửa khẩu thông minh với các công nghệ tiên tiến, giúp tối ưu hóa quy trình kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu với Quảng Tây, Trung Quốc, giúp nâng cao hiệu quả thông quan, giảm thiểu gian lận thương mại, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hai bên.

Thúc đẩy hợp tác và kết nối các thành phố ASEAN-Trung Quốc ảnh 2

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Lạng Sơn Nguyễn Văn Hạnh phát biểu tại Diễn đàn.

Đánh giá cao ý nghĩa của Diễn đàn Đối thoại Thị trưởng thế giới tổ chức tại thành phố Nam Ninh, trong việc thúc đẩy hợp tác và kết nối, chia sẻ kinh nghiệm quản trị giữa các thành phố ở khu vực và trên thế giới, ông Nguyễn Văn Hạnh bày tỏ tin tưởng, việc tăng cường hợp tác kinh tế-thương mại, văn hóa-du lịch giữa Lạng Sơn, Móng Cái (Việt Nam), Nam Ninh (Trung Quốc) và các thành phố trong khu vực ASEAN sẽ góp phần thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc, giúp người dân tăng cường giao lưu và hiểu biết lẫn nhau, đóng góp chung vào phát triển mối quan hệ hợp tác và hữu nghị giữa các quốc gia trong khu vực.

Trong sự kiện chính của Diễn đàn, Thị trưởng/Chủ tịch Ủy ban nhân dân của các thành phố Nam Ninh (Trung Quốc), Móng Cái (Việt Nam), Vientiane (Lào), Yangon (Myanmar), Surat Thani (Thái Lan), Kedah (Malaysia) và Siem Reap (Campuchia) đã cùng thảo luận về chủ đề "Chung tay xây dựng ngôi nhà hữu nghị ASEAN-Trung Quốc: Mở cửa và hợp tác giữa các thành phố", chia sẻ những ý tưởng, sáng kiến, đóng góp những phương thức mới cho quản trị đô thị toàn cầu, thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Thúc đẩy hợp tác và kết nối các thành phố ASEAN-Trung Quốc ảnh 3

Công bố Sáng kiến Nam Ninh về việc tăng cường giao lưu hữu nghị giữa các thành phố.

Tại sự kiện, đại diện các thành phố tham dự Diễn đàn đã cùng công bố Sáng kiến Nam Ninh về việc tăng cường giao lưu hữu nghị giữa các thành phố, đóng góp cho xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai ASEAN-Trung Quốc; làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế-thương mại, đem lại lợi ích thiết thực hơn cho người dân ASEAN-Trung Quốc; thúc đẩy kết nối lòng dân, đóng góp cho xây dựng ngôi nhà chung hòa bình, an toàn, thịnh vượng, tươi đẹp và hữu nghị giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.

Thúc đẩy hợp tác và kết nối các thành phố ASEAN-Trung Quốc ảnh 4

14 dự án giao lưu, hợp tác quy mô lớn được ký kết.

Cũng tại Diễn đàn, 14 dự án giao lưu, hợp tác quy mô lớn giữa các nước Trung Quốc, Việt Nam, Myanmar, Campuchia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Lào và Singapore đã được ký kết, trong các lĩnh vực hợp tác giữa các thành phố hữu nghị, hợp tác kinh tế-thương mại, giáo dục, du lịch, logictics và vận tải, bảo vệ môi trường..., với tổng giá trị đầu tư hợp tác hơn 3,3 tỷ nhân dân tệ (khoảng 452 triệu USD).

Những dự án trên sẽ tích cực thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương, kết nối giữa các vùng miền, khu vực, khai thác các kênh giao lưu và hợp tác cả về chiều rộng và chiều sâu với nhiều cơ hội rộng mở, nhằm thúc đẩy sự phát triển đồng bộ, phối hợp giữa các đô thị, tăng cường năng lực hợp tác và cạnh tranh tổng thể.

Thúc đẩy hợp tác và kết nối các thành phố ASEAN-Trung Quốc ảnh 5

Các đại biểu tham dự Diễn đàn.

Thúc đẩy hợp tác và kết nối các thành phố ASEAN-Trung Quốc ảnh 6

Các tiết mục văn nghệ về tình hữu nghị giữa các quốc gia tại Diễn đàn.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, hai cuộc đối thoại với chủ đề “Tăng cường hợp tác thiết thực về kinh tế-thương mại, mở ra cục diện kết nối toàn diện giữa các thành phố” và “Hợp tác văn hóa-du lịch thúc đẩy thịnh vượng chung giữa các đô thị” cũng được tổ chức, nhằm thảo luận những giải pháp thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và sự phát triển, tiến bộ của các thành phố trong khu vực.