Nhiều cơ hội hợp tác mở ra
Đó là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ năm 2023 do Bộ Công thương phối hợp Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, chính quyền các bang Oregon và Colorado (Hoa Kỳ) tổ chức mới đây tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng: Việc Việt Nam và Hoa Kỳ nâng tầm quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện từ ngày 10/9/2023 đã tạo nền tảng vững chắc, giúp hoạt động hợp tác giữa hai nước đi vào chiều sâu, thực chất trên tất cả các trụ cột, trong đó trụ cột kinh tế-thương mại-đầu tư tiếp tục đóng vai trò là động lực trung tâm thúc đẩy quan hệ hai nước.
Trong quá trình phát triển đó, cộng đồng doanh nghiệp hai nước đóng vai trò hết sức quan trọng, giúp quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam-Hoa Kỳ đạt tốc độ phát triển ấn tượng. Thành công này, nhờ Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước đã nỗ lực phối hợp, tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề thương mại ưu tiên.
Theo ông Hải, mức quan hệ mới giữa Việt Nam-Hoa Kỳ sẽ tạo cơ hội chưa từng có để khởi động những lĩnh vực hợp tác mới, mang tính đột phá, tăng cường nội lực để Việt Nam có vị thế lớn hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu; trong đó, tập trung vào việc đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, thiết bị cho ngành năng lượng, hàng không, kinh tế số, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…
Theo bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hoa Kỳ đã xác định Việt Nam là trụ cột quan trọng trong nền kinh tế Hoa Kỳ. Việc nâng tầm quan hệ chiến lược giữa Việt Nam-Hoa Kỳ đã, đang mang lại những cơ hội phát triển kinh tế cho hai nước.
Việt Nam có cơ hội thu hút đầu tư trực tiếp doanh nghiệp Hoa Kỳ, tập trung vào lĩnh vực bán dẫn và khai khoáng. Ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tăng năng lực, mở rộng xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Hoa Kỳ. Hai bên sẽ có nhiều cơ hội để cùng nhau tháo gỡ những nút thắt, rào cản kỹ thuật trong hoạt động xuất, nhập khẩu và đầu tư cho doanh nghiệp mỗi nước.
Ngoài ra, mối liên kết chặt chẽ của hai nền kinh tế sẽ đóng vai trò quan trọng đối với khả năng phục hồi chuỗi cung ứng toàn cầu và sự thịnh vượng chung trong toàn khu vực. Bà Susan Burns hy vọng quan hệ song phương ngày càng đạt được nhiều kết quả thực chất, hiệu quả, mang lại lợi ích cho cộng đồng, doanh nghiệp hai nước.
Theo chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn (Trường đại học Fulbright Việt Nam), nền tảng quan hệ mới được xác lập cùng với sự hiểu biết sâu sắc, tin cậy lẫn nhau giữa lãnh đạo, nhân dân hai nước đang tạo ra những cơ hội lớn. Bên cạnh đó, sự bổ trợ của hai nền kinh tế (vốn, lao động, hàng hóa) cùng nhiều lĩnh vực hợp tác mới, mang tính đột phá chưa được khai thác và phát huy giá trị là dư địa để hai bên tiếp tục “đánh thức” tiềm năng lẫn nhau.
Chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Điển hình là các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ như Intel, Apple, Google, Boeing, Walmart… đang nghiên cứu đầu tư mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Hoàn thiện khung pháp lý, củng cố nội lực
Về định hướng, triển vọng hợp tác kinh tế giữa hai nước trong thời gian tới, bà Susan Burns cho biết: Các công ty Hoa Kỳ thuộc nhiều lĩnh vực đang hướng tới thị trường Việt Nam, nhất là lĩnh vực bán dẫn và khai khoáng. Hiện, Chính phủ Hoa Kỳ đã xây dựng kế hoạch hành động chi tiết nhằm tăng khả năng phục hồi ngành công nghiệp bán dẫn.
Theo đó, để phát triển hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu, Chính phủ Hoa Kỳ đã thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn trên toàn cầu, trị giá 100 triệu USD. Trong chương trình này, Hoa Kỳ sẽ đánh giá năng lực phát triển lĩnh vực này tại Việt Nam, làm cơ sở để xây dựng và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn, khai khoáng. Hoa Kỳ sẽ cùng Việt Nam đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thu hút nguồn lực đầu tư từ Hoa Kỳ để khai thác đất hiếm tại Việt Nam.
Ông Daniel Nguyen, Phó Chủ tịch Ủy ban về Phát triển Kinh tế và Doanh nghiệp nhỏ, thành viên Ủy ban Bán dẫn (Hạ viện bang Oregon) cho biết: Hiện Hoa Kỳ đã dành khoản đầu tư trị giá 240 triệu USD để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái chất bán dẫn; trong đó, có 40 triệu USD được dành riêng để đầu tư vào dự án mới liên quan lĩnh vực này.
Do vậy, Việt Nam cần tận dụng thời cơ, các nguồn lực để phát triển công nghiệp bán dẫn của mình. Việt Nam cần sớm hoàn thiện khung pháp lý về phát triển công nghiệp bán dẫn, huy động nguồn lực tư nhân, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành này.
Bà Barbara Weisel, chuyên gia luật thương mại quốc tế, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn chính sách toàn cầu Rock Creek, nguyên Trợ lý đại diện Thương mại Hoa Kỳ cho rằng: Thời gian tới, thông qua các sáng kiến như Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA); Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF), Việt Nam-Hoa Kỳ có thể tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong việc phục hồi chuỗi cung ứng và phát triển năng lượng sạch.
Việt Nam và Hoa Kỳ nên tích cực hợp tác để đi đầu trong việc xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể, chi tiết nhằm tăng khả năng phục hồi, khả năng cạnh tranh của các lĩnh vực mà cả hai đều coi là ưu tiên. Hai nước cần phải hành động nhanh chóng để xây dựng kế hoạch, chiến lược mang lại lợi ích kinh tế cụ thể trong giai đoạn các công ty toàn cầu đang chú ý đến các khoản đầu tư mới trong khu vực, tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
“Hai nước cũng nên xem xét đàm phán các hiệp định cụ thể theo ngành để thúc đẩy các cách tiếp cận và tiêu chuẩn quy định chung trong các lĩnh vực mà Việt Nam và Hoa Kỳ nhắm đến để tăng cường thương mại và đầu tư”, bà Barbara Weisel khuyến nghị.