Thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam, Lào, Campuchia trong bối cảnh kinh tế số

NDO - Ngày 20/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) chủ trì, phối hợp Viện Khoa học Kinh tế và Xã hội Quốc gia Lào (LASES), Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC) tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề: “Hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam, Lào, Campuchia trong bối cảnh kinh tế số”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo quốc tế với chủ đề: “Hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam, Lào, Campuchia trong bối cảnh kinh tế số”.
Quang cảnh hội thảo quốc tế với chủ đề: “Hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam, Lào, Campuchia trong bối cảnh kinh tế số”.

Gần 100 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, cơ quan ngoại giao… đến từ ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia tham dự.

Phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, thời gian qua, hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam, Lào, Campuchia đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đưa ba quốc gia trở thành những đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của nhau.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, kỷ nguyên công nghệ số đã và đang tác động sâu, rộng trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, thương mại, đầu tư, mở ra những cơ hội, tiềm năng mới, to lớn hơn cho mỗi quốc gia và hợp tác kinh tế giữa ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

Thương mại điện tử, thương mại số đã có những bước tăng trưởng mạnh và đang trở thành công cụ ngày càng quan trọng hơn trong hoạt động thương mại của mỗi nước và hợp tác thương mại giữa ba nước.

Thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam, Lào, Campuchia trong bối cảnh kinh tế số ảnh 1

Tiến sĩ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.

Bên cạnh những lợi thế to lớn, thương mại số cũng đặt ra nhiều vấn đề mà các bên cần hợp tác giải quyết. Cụ thể là công nhận các chứng thực chữ ký điện tử được cấp cho công chúng, các dịch vụ chứng thực qua biên giới; trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian đối với việc truyền dẫn hoặc lưu trữ thông tin; bảo vệ người tiêu dùng khi tham gia giao dịch điện tử; các vấn đề liên quan đến phát triển thương mại điện tử; nguồn lực để phát huy tiềm năng kinh tế số...

Tiến sĩ Phan Chí Hiếu cũng cho rằng, hội thảo với chủ đề “Hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam, Lào, Campuchia trong bối cảnh kinh tế số” là diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học và những người hoạt động thực tiễn của ba nước trao đổi, thảo luận, đề xuất ý tưởng nhằm tận dụng các thành tựu từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa ba nước.

Các hoạt động của hội thảo còn góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, nâng tầm tham mưu chiến lược, chính sách của ba viện nghiên cứu, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa ba quốc gia.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, tiềm năng hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với Lào, Campuchia là rất lớn, song kết quả đạt được trong thời gian vừa qua chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các bên.

Thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam, Lào, Campuchia trong bối cảnh kinh tế số ảnh 2
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo quốc tế với chủ đề: “Hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam, Lào, Campuchia trong bối cảnh kinh tế số”.

Thời gian tới, để thúc đẩy phát triển kinh tế số, Việt Nam, Lào, Campuchia cần xây dựng và hoàn thiện môi trường thể chế, pháp lý đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế; tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng cứng và hạ tầng mềm cho chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số quốc gia.

Đồng thời, các nước cần hỗ trợ nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, không ngừng chú trọng bồi dưỡng, phổ biến, trang bị kiến thức cho đội ngũ doanh nhân đáp ứng yêu cầu của kinh tế số và xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như thích ứng với hội nhập vào thị trường thế giới trong thời kỳ mới.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, các nước cũng cần khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, công nghệ sản xuất, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và đội ngũ doanh nhân, nhất là cần tạo dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật số để các doanh nghiệp nắm bắt được xu hướng, thế mạnh của kỷ nguyên kinh tế số.

Qua các bài tham luận, thảo luận tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học tập trung làm rõ ba vấn đề quan trọng: Xu hướng phát triển kinh tế số và kinh nghiệm ứng dụng công nghệ số vào phát triển thương mại, đầu tư tại Việt Nam, Lào, Campuchia; cơ hội và thách thức từ quá trình chuyển đổi số đến việc thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa ba nước; các giải pháp thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam-Lào-Campuchia trong nền kinh tế số.