Thúc đẩy hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế

Để hiện thực hóa khát vọng phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm Tài chính quốc tế tầm cỡ, thành phố cần nắm bắt cơ hội, sớm hoàn thiện thể chế nhằm tạo làn sóng thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn tài chính đầu tư nguồn lực phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Trung tâm Tài chính quốc tế sẽ giúp Thành phố Hồ Chí Minh thu hút làn sóng đầu tư thứ ba, tạo sức bật phát triển.
Trung tâm Tài chính quốc tế sẽ giúp Thành phố Hồ Chí Minh thu hút làn sóng đầu tư thứ ba, tạo sức bật phát triển.

Ngày 30/12/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều giải pháp, chiến lược đột phá; trong đó, yêu cầu ban hành chính sách thúc đẩy hình thành và phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh và cho thí điểm cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với công nghệ trong lĩnh vực tài chính và chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Trung tâm Tài chính quốc tế.

Nghị quyết 31 được đánh giá là cơ sở để Thành phố Hồ Chí Minh thay mới "chiếc áo" đã chật. Đây cũng là điều kiện để sớm thúc đẩy Trung tâm Tài chính quốc tế hình thành và phát triển.

Những năm qua, Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC) được thành phố giao nhiệm vụ xây dựng đề án hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện, các nội dung đề án đã được lãnh đạo thành phố thông qua, được trình lên Chính phủ và đang xúc tiến thành lập Ban Chỉ đạo đề án để sớm hoàn thiện và đưa vào hoạt động. Theo đó, đề án hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế gồm ba giai đoạn.

Từ nay đến năm 2025, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chương trình hành động củng cố vị thế Trung tâm Tài chính quốc gia, nâng hạng Trung tâm Tài chính thành phố thành một Trung tâm tài chính quốc tế trong xếp hạng Chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI), bước đầu hình thành khu Trung tâm Tài chính thương mại phức hợp tại Thủ Thiêm. Giai đoạn 2026-2030, thành phố đặt mục tiêu có vị thế vững chắc là Trung tâm Tài chính quốc tế thứ hạng cao trong số các Trung tâm Tài chính ở khu vực châu Á gắn với thị trường vốn, thị trường hàng hóa phái sinh, giao dịch xuyên quốc tế...

Trong giai đoạn dài hạn từ năm 2031 trở đi, thành phố phát triển thành một Trung tâm Tài chính toàn cầu với mục tiêu có thứ hạng cao trong số các Trung tâm Tài chính quốc tế. Chủ tịch Hội đồng thành viên HFIC Nguyễn Ngọc Hòa cho biết: Lịch sử phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua hai làn sóng đầu tư giúp hình thành các khu chế xuất-khu công nghiệp và xu hướng lựa chọn đầu tư chọn lọc hơn, nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư giúp hình thành thêm các khu công nghệ cao.

Với quy mô và vị thế hiện nay, thành phố cần phải tạo ra làn sóng thu hút đầu tư thứ ba để tạo đột phá mới cho sự phát triển, trong đó kiến tạo hình thành thị trường vốn mà Trung tâm Tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh là điển hình. Trên thực tế, nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng chưa đủ đáp ứng cho nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần nguồn vốn đa dạng hơn, lớn hơn, dài hơi hơn để có thể mở rộng quy mô đầu tư và phát triển.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Thành phố Hồ Chí Minh hiện đã là Trung tâm Tài chính của Việt Nam dù vẫn chưa hoàn chỉnh. Phân tích về tiến trình hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế, HFIC cũng nêu ra những thách thức của thành phố. Trong đó, thành phố cần hoàn thiện ba trụ cột cốt lõi: Thứ nhất, với trụ cột thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, hiện chỉ mới có hệ thống ngân hàng thương mại mà thiếu ngân hàng đầu tư.

Thứ hai, với trụ cột thị trường vốn thì còn manh nha, sơ khai và mới hình thành dạng trái phiếu ở một số lĩnh vực nhất định, trong đó, chủ yếu là ngành bất động sản. Cần hoàn thiện hệ thống pháp lý để thị trường này hoạt động đầy đủ cho tất cả ngành nghề. Thứ ba, là trụ cột về thị trường hàng hóa phái sinh. Trụ cột này hoàn toàn chưa có, thậm chí sàn giao dịch điện tử hàng hóa sơ cấp nhất cũng chưa hình thành.

Trong khi đó, Việt Nam được xếp tốp 10 nước xuất khẩu lớn nhất trên thế giới, nhưng cách thức giao dịch thương mại vẫn mang tính chất thủ công truyền thống. Để hoàn thiện ba trụ cột nêu trên, ông Nguyễn Ngọc Hòa nhấn mạnh nhóm giải pháp gồm năm nội dung cần tập trung giải quyết: Một là, xây dựng hệ thống pháp luật và thể chế hoàn chỉnh, đồng bộ, bao quát được các lĩnh vực mà dòng chảy tài chính sẽ hướng đến; hai là, cần cơ chế cho phép áp dụng khung pháp lý thí điểm thử nghiệm trên một số lĩnh vực; ba là, cần có sự vào cuộc cơ quan Trung ương trong việc thu hút, hình thành những "con sếu đầu đàn" đủ sức tham gia vào cuộc chơi chung trên thị trường tài chính. Các tập đoàn này phải bảo đảm năng lực để tích hợp kinh doanh đa ngành từ ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán…

Bốn là, cần xác định giá trị cốt lõi cho năng lực cạnh tranh của Trung tâm Tài chính làm điểm nhấn thu hút các định chế tài chính trên thế giới tham gia; Năm là, chủ động xây dựng nguồn nhân lực có đủ trình độ lĩnh vực tài chính, cùng với đó, cần có chính sách đầu tư đồng bộ nhằm tạo môi trường làm việc, sinh sống, giải trí thuận lợi cho các nhà đầu tư, chuyên gia tài chính cũng như gia đình họ.

Phó Tổng Giám đốc HDBank Trần Hoài Nam đưa ra năm yếu tố cơ bản để hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh là: Trung tâm Tài chính quốc tế là nơi trung chuyển tài chính, tức là phải hai chiều. Làm sao để các doanh nghiệp, định chế tài chính quốc tế muốn huy động vốn là nghĩ đến Thành phố Hồ Chí Minh. Phải có nguồn nhân lực lĩnh vực chuyên sâu lĩnh vực tài chính trong bối cảnh nguồn nhân lực Việt Nam còn hạn chế. Thêm nữa là phát triển cơ sở hạ tầng.

Ngoài cảng biển, hàng không, tòa nhà, cần phải có công nghệ và viễn thông vì hiện nay các công ty tài chính (Fintech) ở Việt Nam đang phát triển rất tốt. Yếu tố cuối cùng là ban hành cơ chế, chính sách và hành lang pháp lý. Đặc biệt, Việt Nam phải có các chính sách về thuế để có thể thu hút các doanh nghiệp, định chế tài chính quốc tế tham gia; nâng tầm sàn chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài niêm yết trên thị trường này.