Sẵn sàng chuyển đổi phương tiện
Là một trong những đơn vị vận tải tham gia hoạt động xe buýt, Công ty cổ phần Xe khách Sài Gòn (SaiGon Bus) đã chuyển đổi xe buýt chạy dầu qua chạy khí ga (CNG) từ hơn 10 năm trước. Ðến nay, có đến 120 xe buýt chạy bằng khí CNG trong tổng số 350 xe do công ty quản lý. Kinh phí công ty dùng đầu tư mua sắm, chuyển đổi thành phương tiện “xanh” khoảng 250 tỷ đồng (trung bình 2 tỷ đồng/xe).
Ủy ban nhân dân thành phố ban hành chủ trương chuyển đổi xe buýt chạy bằng dầu qua khí CNG (Ðề án thay thế 1.680 xe buýt mới được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt tháng 5/2014) rất kịp thời, trong đó có chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn mua phương tiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã đã mang lại động lực chuyển đổi năng lượng “xanh” của ngành giao thông vận tải.
Ông Nguyễn Duy Khánh, Giám đốc SaiGon Bus
Theo Sở Giao thông vận tải, hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh có 2.058 xe buýt hoạt động trên 127 tuyến, trong đó 1.547 xe buýt sử dụng nhiên liệu dầu diesel và 496 xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG, 15 xe buýt điện. Theo các doanh nghiệp vận tải, chi phí đầu tư mua mới xe buýt CNG có giá cao hơn so với loại xe tương tự sử dụng nhiên liệu diesel từ 20% đến 50%. Do đó đây là nguyên nhân khiến việc đầu tư, chuyển đổi phương thức hoạt động của các đơn vị kinh doanh vận tải còn chậm, kết quả đạt được chưa như mong muốn.
Ðầu năm 2022, tuyến xe buýt điện đầu tiên của thành phố do một doanh nghiệp đầu tư chính thức đi vào hoạt động. Tuyến xe buýt điện D4 (Vinhomes Grand Park-bến xe buýt Sài Gòn) với 15 xe được đánh giá là sử dụng phương tiện hiện đại, chất lượng phục vụ tốt, thân thiện với môi trường, đáp ứng được nhu cầu lưu thông đi lại ở khu vực phía đông thành phố.
Lãnh đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố cho biết, hiện đơn vị khai thác đang triển khai đầu tư hạ tầng, phương tiện để đưa vào hoạt động tiếp bốn tuyến buýt điện còn lại vào tháng 5/2024, gồm: tuyến VinHome Grand Park-Trung tâm thương mại Emart; tuyến VinHome Grand Park - Sân bay Tân Sơn Nhất; tuyến VinHome Grand Park - Bến xe Miền Ðông mới; tuyến Bến xe Miền Ðông mới-Khu đô thị Ðại học Quốc gia. Hoạt động trên năm tuyến xe buýt này có khoảng 77 xe, sức chứa từ 65 đến 70 chỗ/ phương tiện.
Hành động hướng tới Net zero
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Lê Hoàn, Trung tâm đang xây dựng kế hoạch chuyển đổi xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định số 876/QÐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải.
Trong đó, đáp ứng tối thiểu theo lộ trình đặt ra như sau: Từ năm 2025: 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh; từ năm 2030: tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%.
Thực hiện chương trình này, dự kiến đến năm 2030, thành phố có 1.874 xe buýt chuyển đổi sang năng lượng điện, năng lượng xanh. Dự kiến số lượng xe đầu tư hằng năm như sau: Năm 2025 là 390 xe, năm 2028 là 221 xe, năm 2030 là 808 xe.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu (Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: Ðể hướng đến phát thải ròng bằng 0 - Net zero, thành phố cần ưu tiên thực hiện các giải pháp đối với lĩnh vực giao thông vận tải nhằm giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến năm 2050 phát thải ròng bằng 0.
Ðó là giảm tỷ lệ sử dụng xe máy, ô-tô, tăng tỷ lệ sử dụng phương tiện công cộng như metro, buýt và xe đạp; tăng tỷ lệ sử dụng nhiên liệu điện cho các loại phương tiện xe khách, xe buýt, xe máy, ô-tô; thay thế nhiên liệu DO sang CNG cho phương tiện. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Quốc Bằng cũng đề xuất thành phố nên lưu ý phát triển năng lượng xanh trước, khi có nguồn năng lượng rồi mới khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân chuyển đổi năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh.
Thành phố Hồ Chí Minh đã từng bước thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh cho phương tiện giao thông bởi đây là nguồn phát thải các-bon lớn đứng thứ hai sau hoạt động công nghiệp. Bằng những hành động cụ thể, thiết thực và chính sách đi kèm từ phía chính quyền thành phố, cơ quan quản lý, cùng các doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ tạo một môi trường phát triển xanh, giảm phát thải, bền vững….
Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng phương án thí điểm phủ xe điện trên địa bàn huyện Cần Giờ vì đây là huyện đảo chỉ có hơn 80.000 dân. Theo phương án dự kiến, từ nay đến năm 2025, các phương tiện đi vào Cần Giờ nếu không phải là xe điện sẽ được gửi tại Mỹ Khánh và lập tại đây một bãi đệm; sau đó, sẽ có xe điện trung chuyển vào tất cả các nơi của huyện Cần Giờ.