Với vai trò Phó Chủ tịch Trung tâm Tuổi già năng động và sáng tạo ASEAN (ACAI), Việt Nam đưa ra sáng kiến này và đạt được sự đồng thuận của tất cả các quốc gia thành viên ASEAN/ACAI.
Hội thảo do Bộ Y tế tổ chức với sự phối hợp của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Tổ chức hỗ trợ Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Mitsubishi. Hội thảo được tổ chức nhằm tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành viên ACAI và giữa ACAI với các đối tác phát triển về xây dựng cộng đồng ASEAN đoàn kết, già hóa năng động và sáng tạo.
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, chăm lo, giúp đỡ và phát huy vai trò của người cao tuổi. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chủ động thích ứng với già hóa dân số, tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, trong đó chú trọng việc áp dụng khoa học kỹ thuật.
Năm 2020, các quốc gia thành viên ASEAN đã ký kết Hiệp định thành lập ACAI như một sự chủ động thích ứng với già hoá dân số của ASEAN. Sứ mệnh chính của ACAI là hỗ trợ các quốc gia thành viên trong việc hoạch định, thực thi chính sách về già hóa năng động và sáng tạo thông qua việc cung cấp các thông tin, kiến thức và tăng cường năng lực cho mỗi quốc gia thành viên.
Ông Suwit Wibulpolprasery, Chủ tịch Hội đồng ACAI nhấn mạnh: “Người cao tuổi ở mỗi một quốc gia đều đã tích lũy được những nguồn vốn xã hội, trí tuệ và có thể cả nguồn tài chính khổng lồ. Họ nên được coi là tài sản quan trọng cho sự phát triển bền vững của cộng đồng và xã hội. Chúng ta sẽ yêu cầu những đổi mới đáng kể về mặt xã hội và công nghệ để khai thác những tài sản quý giá này. Đó là lý do chính tại sao chúng ta cần ACAI. Phó Chủ tịch Việt Nam của chúng tôi, người sẽ là chủ tịch sắp tới của ACAI, đã lãnh đạo để tổ chức hội thảo này như một bước khởi động sôi nổi cho các hoạt động đầy đủ của ACAI. ACAI sẽ được thành lập và hoạt động kể từ bây giờ, với sự đóng góp và lãnh đạo của tất cả các quốc gia thành viên và đối tác”.
Già hoá dân số không những mở ra những cơ hội nhất định trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, du lịch… mà còn mang đến rất nhiều thách thức trên tất cả các lĩnh vực trong đó, bao gồm chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội, nhất là trong bối cảnh đại dịch Coid-19 hiện nay. Người cao tuổi là một trong những nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất.
Phát biểu tại hội thảo, Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho biết: “Cả vấn đề già hóa dân số và số hóa đều là một phần của xu hướng lớn của thế giới mà tất cả chúng ta phải đáp ứng. Công nghệ kỹ thuật số đang tiếp tục định hình lại cách chúng ta tiếp cận thông tin y tế và các dịch vụ chăm sóc. Đại dịch Covid-19 chỉ làm cho xu hướng trở nên rõ ràng hơn: tiếp cận kỹ thuật số đã trở thành một yếu tố xã hội mới quyết định đến sức khỏe. Hơn bao giờ hết, khả năng sử dụng công nghệ kỹ thuật số của người cao tuổi có thể ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe và chất lượng cuộc sống của họ. Chúng tôi tận dụng tiềm năng của công nghệ kỹ thuật số đối với quá trình già hóa năng động và khỏe mạnh bằng cách thúc đẩy sự tham gia của các khu vực tư nhân và tạo điều kiện thuận lợi cho những đổi mới trong việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho người cao tuổi”.
Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu thuộc 10 quốc gia ASEAN và các đối tác theo cả hình thức trực tuyến và trực tiếp, thảo luận về thực trạng và xu hướng già hóa trong khu vực ASEAN, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
ASEAN hiện có hơn 45 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 7% tổng dân số ASEAN (năm 2019). Dự báo số người cao tuổi sẽ tăng lên là 132 triệu người, chiếm 16,7% tổng dân số ASEAN vào năm 2050.
Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn “già hóa” từ năm 2011 với số người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) chiếm 7% tổng dân số. Hiện nay, số người cao tuổi (trên 65 tuổi) là 7,4 triệu người, chiếm 7,7% tổng dân số. Nhóm dân số cao tuổi của Việt Nam sẽ tăng lên thành 22,3 triệu người cao tuổi, chiếm 20,4% vào năm 2050. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh trên thế giới.