Theo Liên hợp quốc, công bằng xã hội đang là trung tâm của các chương trình nghị sự quốc tế, quốc gia và khu vực. Ngày càng nhiều ý kiến ủng hộ quan điểm cho rằng, việc đạt công bằng xã hội phải là cốt lõi của các chính sách quốc gia và quốc tế. Những người ủng hộ tin rằng, xã hội và nền kinh tế hoạt động gắn kết hơn khi công bằng xã hội được ưu tiên, đồng thời nhấn mạnh, bảo vệ các quyền cơ bản và tự do, tạo cơ hội việc làm và thúc đẩy đối thoại mang tính xây dựng giữa các đại diện chính phủ, doanh nghiệp và người lao động là chìa khóa tạo khuôn khổ giúp đạt được công bằng xã hội.
Trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng toàn cầu đan xen, tình trạng vi phạm quyền của người lao động và bất bình đẳng vẫn tồn tại ở nhiều nơi, thậm chí có nơi diễn ra nghiêm trọng. Thực tế này đe dọa tiến bộ đạt được trong việc giải quyết các vấn đề xã hội. Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến khẳng định, nhiệm vụ cấp bách là củng cố thể chế và tiếp tục thực thi các chính sách hiệu quả hơn.
Trên tiến trình phát triển, cộng đồng quốc tế đã cùng nhau nỗ lực không ngừng vì các giá trị công bằng xã hội. Tháng 6/2008, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhất trí thông qua Tuyên bố của ILO về Công bằng xã hội vì toàn cầu hóa công bằng. Văn kiện lịch sử này là sự khẳng định mạnh mẽ về các giá trị của ILO.
Với việc thông qua tài liệu này, đại diện các chính phủ, tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động từ các quốc gia thành viên ILO nhấn mạnh vai trò chủ đạo của “Tổ chức ba bên” này trong việc thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa. Các quốc gia cam kết cùng nhau tăng cường năng lực của ILO để đạt những mục tiêu đề ra thông qua Chương trình nghị sự về việc làm bền vững.
Trước đó, Ðại hội đồng Liên hợp quốc ra nghị quyết nhấn mạnh, phát triển xã hội và công bằng xã hội là cần thiết để bảo đảm và duy trì hòa bình, an ninh trong và giữa các quốc gia. Ðồng thời, thế giới không thể đạt được phát triển và công bằng xã hội nếu thiếu hòa bình và an ninh, hay thiếu sự tôn trọng tất cả các quyền con người và quyền tự do cơ bản.
Ðại hội đồng cũng khẳng định, toàn cầu hóa và sự phụ thuộc lẫn nhau thông qua thương mại, đầu tư và dòng vốn, cũng như tiến bộ về công nghệ mang lại những cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cũng như gia tăng và cải thiện mức sống trên toàn thế giới, dù thực tế vẫn còn nhiều thách thức nghiêm trọng, như khủng hoảng tài chính, mất an ninh, đói nghèo, bất bình đẳng…
Ngày 26/11/2007, Ðại hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố lấy ngày 20/2 làm Ngày Công bằng xã hội thế giới, được tổ chức hằng năm kể từ năm 2009. Ðây là dịp để nhắc nhớ về sự cần thiết phải xây dựng một xã hội công bằng và bình đẳng hơn. Năm nay, ILO tiếp tục tổ chức nhiều sự kiện trên khắp thế giới, tập trung vào các vấn đề cấp bách hiện nay. Hàng loạt đề xuất về bảo đảm công bằng xã hội được đưa ra, trong đó có quản lý lao động toàn diện, cung cấp việc làm và cơ hội học tập, cũng như bảo trợ xã hội suốt đời, cùng với đó là cải cách để đạt được thị trường lao động công bằng hơn.
Ðáng chú ý, ngày càng có nhiều ý kiến ủng hộ thành lập Liên minh toàn cầu vì công bằng xã hội. Liên minh được đề xuất nhằm mục đích tăng cường hợp tác đa phương và các chính sách phù hợp, tập trung thúc đẩy hơn nữa các mục tiêu công bằng xã hội. Liên minh cũng sẽ đẩy mạnh đối thoại quốc gia mang tính xây dựng, nhằm xác định và giải quyết những bất cập ảnh hưởng tiến trình phát triển.