Thúc đẩy chuyển đổi giáo dục bền vững

Chủ trì Hội nghị cấp cao về chuyển đổi giáo dục toàn cầu trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi thế giới hành động ngay trong năm lĩnh vực ưu tiên để chuyển đổi hệ thống giáo dục toàn cầu một cách hiệu quả, hiện thực hóa tầm nhìn đối với giáo dục trong thế kỷ 21.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu tại Hội nghị cấp cao về chuyển đổi giáo dục toàn cầu ở New York, Mỹ, ngày 19/9. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu tại Hội nghị cấp cao về chuyển đổi giáo dục toàn cầu ở New York, Mỹ, ngày 19/9. (Ảnh: THX/TTXVN)

Đề xuất 5 điểm Tổng Thư ký Antonio Guterres đưa ra để các nước thành viên Liên hợp quốc có cam kết cụ thể, mạnh mẽ gồm: Bảo đảm quyền đối với giáo dục cho mọi người dân; quan tâm vai trò và kỹ năng của giáo viên; bảo đảm trường học có không gian an toàn, lành mạnh, không có bạo lực, định kiến; tất cả người học được hưởng lợi từ cuộc cách mạng số; bảo đảm tài chính cho giáo dục và đoàn kết quốc tế.

Ông kêu gọi các nước phát triển tăng cường hỗ trợ, dành ít nhất 15% nguồn vốn ODA cho giáo dục và đề nghị các thể chế tài chính quốc tế tạo điều kiện cho các nước đang phát triển có thêm nguồn lực để đầu tư cho giáo dục. Người đứng đầu Liên hợp quốc kêu gọi các tổ chức tài chính quốc tế tham gia Quỹ Tài chính quốc tế cho giáo dục với mục tiêu huy động khoảng 10 tỷ USD để giúp 700 triệu trẻ em ở các nước nghèo, kém phát triển được đi học.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, trong giai đoạn phục hồi sau hai năm dịch Covid-19 hoành hành, ngành giáo dục cần phát huy sứ mệnh trang bị kiến thức và kỹ năng cho các thế hệ công dân vượt qua những thách thức mà thế giới phải đối mặt, qua đó góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Đóng góp thảo luận về giải pháp chuyển đổi giáo dục bền vững, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và chất lượng giáo dục, hòa nhập và công bằng ở các cấp học.